Dệt may hiện tại là một trong ba mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu sau khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Năm 2014, xuất khẩu dệt may sang các nước thành viên TPP đạt 13,4 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Nhóm hàng này cũng chiếm hơn một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 11 quốc gia trong khu vực.
Theo lộ trình gỡ bỏ thuế quan TPP vừa được công bố trong toàn văn hiệp định, hàng dệt may được xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số khác được giảm về 0% trong 10 năm. Để hưởng ưu đãi trên, hàng dệt may của Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ, song cũng có những trường hợp được ngoại trừ.
Cụ thể, sản phẩm dệt, may mặc không đạt quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi trong TPP vẫn được xem là hàng hóa có xuất xứ nếu phần nguyên liệu, gồm vải và sợi, không có xuất xứ có trong lượng không lớn hơn 10% tổng trọng lượng của sản phẩm. Quy tắc này có thể được cân nhắc trong 5 năm kể từ thỏa thuận có hiệu lực.
Tuy nhiên, những sản phẩm có chứa sợi đàn hồi sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Hiệp định cũng quy định phải chứng minh cụ thể nguyên liệu được dùng để sản xuất sản phẩm gì, như thuộc nhóm hàng hóa nào, mã số khai thuế hải quan HS..
Trước đó, quy tắc xuất xứ là một trong những điều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại khi tham gia hội nhập bởi hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng, khoảng 70% vẫn phải đi nhập từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc – nước không tham gia đàm phán TPP.
Huyền Thư