Doanh nghiệp tôn thép đau đầu vì hàng giả

Có mặt tại Hà Nội những ngày cuối tháng 11, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tôn – thép lớn có trụ sở ở phía Nam cho biết ông cùng nhiều đồng nghiệp khác phải chạy khắp nơi để gỡ khó, khi mà thị trường trong nước cứ ngày một co hẹp bởi những lý do mà ông cho là “không chính đáng”.

Ton-0_1417052885.jpg

Nhiều doanh nghiệp đang chịu thiệt hại vì tôn thép giả. Ảnh: TTXVN

Vị này cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 15 công ty sản xuất tôn thép quy mô lớn, cùng các đơn vị nhỏ có thể làm ra khoảng 4 triệu tấn thành phẩm mỗi năm. Dẫn lại số liệu của Hiệp hội Thép, vị này cho biết, sau 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp như ông đã phải dành 664.000 tấn để xuất khẩu, nhưng toàn thị trường vẫn phải nhập ngược lại khoảng 500.000 tấn từ nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc). Điều này khiến thị phần nội địa của các doanh nghiệp sản xuất giảm khoảng 11%.

Tuy vậy, vị này cho rằng nguy cơ hàng ngoại xâm lấn vẫn không thấm vào đâu so với tình trạng hàng nhái, hàng giả sản xuất trong nước tràn lan trên thị trường. Hàng loạt thương hiệu nổi tiếng đã bị làm nhái, với sản phẩm xuất hiện trên diện rộng từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên. Ngay tại Hà Nội cũng không khó bắt gặp các cửa hàng, đại lý bán tôn giả.

Theo các doanh nghiệp, sản phẩm đang được làm giả bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là “ăn gian” độ dày thép nền, lớp mạ và in phun nhái tên thương hiệu nổi tiếng lên các sản phẩm kém chất lượng.

Bày tỏ lo ngại của mình tại hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý” diễn ra ngày 26/11, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tôn Hoa Sen – một doanh nghiệp lớn trong ngành khẳng định tình trạng hàng nhái nêu trên đang ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất.

Đặt giả thuyết 20% thị phần tôn trên thị trường đang bị làm giả, lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen tính toán, với từ 4.000 đến 6.000 đồng một mét tôn mà doanh nghiệp làm ăn không chân chính thu được thì bình quân mỗi năm người tiêu dùng bị mất gần 400 tỷ đồng. Riêng với ngành tôn thép trong nước thiệt hại khoảng hơn 900 tỷ đồng.

Theo ông Vũ, điều này sẽ làm mất đi cơ hội tham gia thị trường thế giới khi các Hiệp định thương mại, cộng đồng kinh tế ASEAN được ký kết và hình thành trong năm 2015. Khi đó chính Thái Lan, Indonesia, Philippines thậm chí Lào và Campuchia là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam. “Nếu doanh nghiệp trong nước không tạo ra sản phẩm tốt, môi trường lành mạnh sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội và tụt hậu”, Chủ tịch Tôn Hoa Sen lo ngại.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chỉ ra một thực tế đáng ngại khác, tôn thép ngoại nhập khẩu lợi dụng quy định thép hợp kim để trốn thuế đang cạnh tranh không lành mạnh với sản xuất trong nước. Trong khi đó hiệp định FTA giữa Việt Nam với Liên minh Thuế quan Nga, Belarus và Kazachstan sắp được ký kết là thách thức lớn với ngành sản xuất thép trong nước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc bị thu hẹp lợi thế, thậm chí bị vô hiệu hóa bởi Trung Quốc, khi nước này cũng có những ưu đãi tương tự.

“Trung Quốc quá thừa thép và đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ”, ông Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tôn thép Việt Nam cũng đang có cơ hôi thâm nhập một số thị trường mới khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN hình thành như Chile, Australia, Mexico… Muốn vậy, các nhà sản xuất cần giữ vững thị trường nội địa, vận dụng hiệu quả hơn nữa rào cản kỹ thuật để bảo vệ ngành thép, liên kết cận dùng khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Đặc biệt cần giải quyết được vấn đề hàng giả, hàng nhái sản phẩm đang tràn lan trên thị trường hiện nay”, ông Doanh nói.

Cùng chung quan điểm nêu trên, ông Trịnh Đình Hùng, Phó tổng giám đốc công ty tôn mạ Vnsteel Thăng Long cho biết, sau khi được thị trường chấp nhận, sản phẩm tôn Thăng Long, tôn Việt Ý nhái cũng xuất hiện với số lượng và tần xuất ngày càng tăng. “Sản phẩm của chúng tôi đã bị các xưởng cán sóng in nhái lên loại tôn mạ chất lượng kém không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, ông Hùng bày tỏ.

Từ kinh nghiệm của mình, ông Lê Phước Vũ cho rằng, doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường cần phát triển được hệ thống phân phối. Với các thông số tiêu chuẩn kỹ thuật được ghi đầy đủ trên hóa đơn, đội ngũ nhân viên sẵn sàng giải quyết các yêu cầu của khách, tình trạng nhái thương hiệu có thể được hạn chế.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) thừa nhận, được cung cấp thông tin chính xác đầy đủ về hàng hóa là một trong 8 quyền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đa số người dân hiện nay vô tình đang từ chối quyền được bồi thường thiệt hại khi mua sản phẩm mà không lấy hóa đơn.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, các cơ quan quản lý cần xây dựng quy trình kiểm tra, rà soát chất lượng đối với hàng sản xuất trong nước, có chế tài đủ mạnh với những trường hợp vi phạm gian lận… Điều này sẽ tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng uy tín của các thương hiệu sản xuất tôn thép trong nước.

Trước tình trạng tôn thép giả được bán tràn lan trên thị trường, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc triển khai các biện pháp để phát hiện, làm rõ.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, qua báo cáo nhanh của các đơn vị tại các địa phương đã tịch thu hơn 10.000 tấn tôn thép giả. Riêng tại Hà Nội phát hiện gần 200 tấn tôn thép nhập khẩu nhái một số thương hiệu như Hoa Sen, Tonmat…

Thành Tâm

0913.756.339