Doanh nghiệp ‘đòi nợ’ cơ quan thuế

Vì quá bức xúc với số tiền hoàn hơn 21 tỷ đồng mà cơ quan thuế đang nợ công ty gần một năm nay và đến giờ vẫn chưa được trả, lãnh đạo Công ty Tân Nhất Hương tranh thủ lúc giải lao tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan ngày 5/11 để gặp và chất vấn trực tiếp Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Bà cho biết, Công ty Tân Nhất Hương có hơn 200 công nhân, hàng năm xuất đi lượng hàng lớn là nước tương và các loại sản phẩm làm từ gạo sang nước ngoài. Số tiền hoàn mà cơ quan thuế đang nợ công ty bà gần một năm nay khoảng hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, công ty mới có quyết định hoàn thuế 7 tỷ đồng hôm 26/8, nhưng đến nay chưa được nhận tiền vì vẫn còn treo. Hơn 14 tỷ đồng còn lại thì giờ chưa biết đến khi nào.

doanh-nghiep-doi-no-co-quan-thue

Nóng công tác hoàn thuế. Ảnh: Lệ Chi.

Vị lãnh đạo Tân Nhất Hương cho biết, với tình hình bị nợ thuế này, doanh nghiệp bà gặp rất nhiều khó khăn, phải đi vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để phục vụ sản xuất kinh doanh vì trước đó đã tự bỏ tiền để trả cho đối tác (chiếm phần nhiều trong tổng số tiền chờ được hoàn).

Bà cho biết, đã nhiều lần chạy lên chi cục thuế địa phương để xin nhận tiền nhưng lãnh đạo đều giải thích là ngân sách đang thiếu tiền. Chi cục thuế giải thích là quỹ hoàn thuế rót về có 1.700 tỷ đồng, trong khi các hồ sơ xin hoàn thuế đang treo đã lên đến 1.800 tỷ. Do đó, cơ quan thuế chỉ ưu tiên cho những công trình trọng điểm quốc gia và công ty 100% sản xuất – xuất khẩu, còn công ty của bà vừa có sản xuất – xuất khẩu, vừa có làm thương mại nên không được ưu tiên.

Những doanh nghiệp 100% sản xuất xuất khẩu trong danh sách được hoàn, tôi thấy đa phần là doanh nghiệp nước ngoài, còn những doanh nghiệp trong nước như chúng tôi thì lại không được ưu tiên”, bà tỏ ra bức xúc và hỏi Thứ trưởng Tuấn phải chăng ngân sách đang thiếu tiền như lời lãnh đạo chi cục thuế giải thích.

Ngay lúc đó, đại diện Công ty xuất khẩu Uni, chuyên về ngành thương mại năng lượng sạch cũng tranh thủ giãi bày với Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ông cho biết, tổng số tiền thuế cần hoàn của công ty đã lên hơn 20 tỷ đồng. Mới đây, công ty nộp bộ hồ sơ hoàn thuế lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nhưng doanh nghiệp bị chuyển sang dạng kiểm tra trước, hoàn sau (lâu nay là hoàn trước, kiểm tra sau) do số tiền đề nghị hoàn đợt đầu này là 11 tỷ đồng, tăng đột biến so với các lần hoàn trước.

“Số tiền đề nghị hoàn tăng cao vì cuối năm vừa rồi chúng tôi không xuất hàng mà lại dồn vào 3 tháng đầu năm nay”, đại diện Uni giải thích và cho biết, số tiền nằm chôn một chỗ mà không lấy về được khiến doanh nghiệp rất khó khăn.

Trước những chia sẻ của doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn hứa sẽ cho kiểm tra ngay và khẳng định không hề có chuyện ngân sách nhà nước thiếu tiền nên chậm trễ hoàn thuế.

Cũng tại hội nghị, đại diện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI đã công bố báo cáo đánh giá về hoạt động của ngành thuế cho thấy, trong 2.500 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành phố tham gia khảo sát có 49% doanh nghiệp cho biết gặp phiền hà về thủ tục hành chính.

Trung bình có 32% doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế, 40% doanh nghiệp cho biết sẽ bị phân biệt, đối xử nếu không chi trả chi phí chính thức này. Và vấn đề hoàn thuế hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục, đôi khi chưa thống nhất.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, công tác hoàn thuế là một trong những điểm nóng thời gian qua, nhất là ở TP HCM. Bộ Tài chính đã cử đoàn công tác vào làm việc với Cục Thuế thành phố rà soát toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp. Ông cho biết, số dư của tiền hoàn thuế đến sáng 5/11 vẫn còn trên 900 tỷ đồng. Bộ Tài chính giao Cục trưởng chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Tổng cục thuế chấp hành xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thuế công khai minh bạch đầy đủ toàn bộ hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp đã gửi đến.

Tổng cục thuế cho biết đang đầu tư máy móc thiết bị, con người để từ ngày 1/1/2016 sẽ giải quyết căn cơ các vấn đề. Bộ Tài chính thông qua các đơn vị của mình để giảm sát.

Lệ Chi

0913.756.339