Thu Nga – một người có thâm niên đổi tiền lẻ qua mạng nhiều năm nay cho biết, cô có đủ các mệnh giá từ 1.000 đồng đến 2.000, 5.000, 10.000, 50.000 và 100.000 đồng. Các loại tiền này còn nguyên đai, nguyên kiện và được cô giao tận nơi khi khách có yêu cầu mà không thu phí.
Bảng phí đổi tiền mới trên một trang web. |
Riêng các loại mệnh giá nhỏ hơn như 200 và 500 đồng thì Nga cho biết năm nay khan hiếm. Bởi năm trước Ngân hàng Nhà nước không in những loại mệnh giá nhỏ nên hầu hết tiền loại này mà cô có đều thuộc diện “qua tay” chứ không còn nguyên đai, nguyên kiện như những năm trước.
Tỷ lệ đổi loại tiền này cũng cao hơn các loại mệnh giá khác, loại 500 đồng phí đổi lên đến 80%, tức đổi 500.000 đồng chỉ nhận lại được 100.000 đồng. Tờ 200 đồng thì phí thoả thuận, tuỳ số lượng. Mệnh giá càng lớn thì phí đổi càng thấp. Ví dụ, tiền 5.000 đồng phí đổi là 12%; 10.000 đồng, phí 10%; 20.000 đồng, phí 8% và 100.000 đồng phí đổi 6%… “Nếu khách đổi số lượng nhiều thì có thể giảm phí thêm”, Nga cho biết.
Tại một trang rao vặt khác, anh Nhân cũng đăng tải chi tiết các mức phí đổi tiền, bao gồm cả tiền mới, cũ và USD. Anh rao bán một tờ 2 USD thông thường với giá 55.000 đồng. Khách mua số lượng lớn, mức giá giảm nhẹ còn khoảng 52.000 đồng.
Một địa chỉ ở Gò Vấp, TP HCM cũng rao nhận đổi tiền sớm qua Facebook có hàng trăm lượt bình luận và đăng ký của khách hàng. Chủ dịch vụ cũng thông báo: “Tiền lẻ này huy động từ nhiều nguồn tuy không nguyên seri, nguyên cọc nhưng rất mới và nhiều mệnh giá, sẵn sàng nhận đổi số lượng lớn có ngay chứ không phải chờ đợi”.
Dịch vụ đổi tiền lẻ Tết đã nóng trên các trang web rao vặt. Ảnh: Nhật Minh. |
Khách hàng đổi tiền mệnh giá càng nhỏ, phí dịch vụ sẽ càng lớn. Phí đổi áp dụng mức cao nhất là 60% đối với mệnh giá 500 đồng. Cụ thể, khách đổi 500.000 đồng sẽ chỉ nhận được 200.000 đồng tiền 500 đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM khẳng định đáp ứng đầy đủ cơ cấu các mệnh giá tiền trong lưu thông.
“Bất kể lúc nào, ngân hàng thương mại có yêu cầu đều được đáp ứng lượng tiền lẻ. Thậm chí, ngay giữa quý III, ngân hàng nào không có nhu cầu chúng tôi vẫn tăng cường phân bổ lượng tiền mệnh giá nhỏ xuống để luôn đảm bảo cân đối cơ cấu mệnh giá tiền cho lưu thông”, ông Minh nói. Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM chia sẻ thêm, nhu cầu sử dụng tiền mới cho việc lì xì là có thật, nhưng không quá cấp thiết tới mức để nhiều người lợi dụng trục lợi.
Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Theo khảo sát của các cơ quan quản lý, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ thời gian qua chưa hợp lý, đặc biệt ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra).
Ngân hàng Nhà nước ước tính, chi phí cho hoạt động in tiền mới mệnh giá nhỏ vào khoảng trên 300 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, công tác kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản các loại tiền này cũng rất tốn kém và phải huy động nhiều nhân lực.
Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm, phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Nhưng sau Tết, lượng tiền lẻ các ngân hàng thu đổi về từ đền chùa rất nhiều, gây ứ đọng. Năm ngoái, Sở Văn hóa các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… cũng đã chỉ đạo các ban quản lý di tích không bố trí bàn đổi tiền lẻ, coi đó là một chỉ tiêu thi đua để hạn chế tiêu cực khi đổi tiền.
Ông Minh thông tin thêm, cơ quan này đang muốn tuyên truyền để thay đổi thói quen mừng tuổi bằng tiền mới của người dân nhằm tránh sự lãng phí lớn. Bởi lẽ, chẳng hạn như tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng… cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước chi ra rất nhiều nhưng qua Tết thì đồng loạt các nhà băng nộp trở về và hầu như trong năm nhu cầu cho tiền loại này không cao. Đa số người đến ngân hàng nhận tiền kể cả vay tiền đều thích tiền mệnh giá lớn.
Lệ Chi