Dệt may kỳ vọng bứt phá nhờ TPP

Trông chờ tin Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ mấy ngày qua, giám đốc một công ty dệt may ở Bình Dương cho biết đã thức trắng đêm để theo dõi và vô cùng vui mừng khi thoả thuận hoàn thành vào ngày 5/10. Các nước tham gia TPP đều là những đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật với 31% các mặt hàng quần áo, da giày được xuất sang khu vực này. 

“Khi thuế suất trong TPP có hiệu lực, trong năm tới công ty tôi có thể sẽ tăng trưởng thêm 10-20% so với trước đây”, vị này cho biết.

Cũng kỳ vọng thay đổi diện mạo khi TPP hoàn thành, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho biết đây sẽ là cơ hội cho hàng của công ty tiến sâu hơn vào 12 quốc gia trong TPP, điển hình là Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore.

det-may-2_1444147037.jpg

Dệt may hứa hẹn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: QH.

“Trước đó, chúng tôi đã có những chuẩn bị để đón đầu TPP bằng cách xây dựng nhà máy dệt, sợi, nhuộm. Đáng chú ý, cuối năm nay chúng tôi hoàn tất dây chuyền sản xuất denim từ dệt, nhuộm đến may với công suất hơn 300 tấn một tháng và sẽ xây thêm dây chuyền mới có năng suất cao gấp đôi hiện tại”, ông Trình nói.

Ông cho biết, đối với mặt hàng khăn bông cao cấp, công ty đang xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật. Thời gian tới, công ty cũng sẽ tăng gấp đôi lượng hàng để xuất sang 12 nước trong TPP nhằm tận dụng cơ hội và lợi thế cạnh tranh sẵn có.

Ngoài ra, theo ông Trình, để tận dụng những lợi thế từ TPP một cách hiệu quả hơn, doanh nghiệp ông sẽ tăng cường liên kết với các công ty trong nước cũng như quốc tế tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ. Điều này sẽ giúp, dệt may Việt Nam hướng tới đáp ứng 50% nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

“Thực tế, Việt Nam đủ năng lực giải quyết khâu sợi và may, còn dệt và nhuộm đang trong quá trình cải thiện”, ông Trình nhấn mạnh.

Dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020, nếu TPP hoàn tất. Cũng theo tổ chức này, tốc độ tăng trưởng chung của ngành dệt may có thể đạt 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.

Cũng tin vào tốc độ tăng trưởng và thị phần của dệt may Việt hứa hẹn bứt phá, ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, với việc TPP được ký kết, ngành dệt may sẽ được hưởng lợi lớn, thu hẹp khoảng cách với các nhà xuất khẩu đến từ nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Chẳng hạn, năm 2014, dệt may Việt Nam chiếm gần 10% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, trong khi Trung Quốc là 37%. Nhưng khi gia nhập TPP, hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế 0% nên sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc mạnh mẽ hơn, do hai nước hiện vẫn còn chơi chung một sân là WTO với mức thuế ngang nhau, bình quân khoảng 17%.

“Chỉ riêng hàng dệt may, nếu xuất 10 tỷ USD thì phần thuế đã mất 1,7 tỷ. Nếu TPP có hiệu lực, thuế giảm về 0% thì sức cạnh tranh sẽ rất lớn, ít nhất Việt Nam có thể phát triển thị phần thêm gấp đôi trong 10 năm tới”, ông Ân cho hay.

Đồng tình với quan điểm của của ông Ân, ông Phạm Xuân Hồng – Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may nhìn nhận, dệt may sẽ tăng trưởng mạnh trên 20% khi thuế suất TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ đối diện với nhiều thách thức.

“Khá nhiều doanh nghiệp dệt may bất ngờ vì không nghĩ TPP đến nhanh như vậy. Tuy nhiên, trong niềm vui này vẫn ẩn chứa nhiều lo lắng, nhất là về xuất xứ nguồn hàng”, ông Hồng nói và đưa ra dẫn chứng, hiện nguyên liệu trong nước của Việt Nam còn rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 20%. Riêng nguồn hàng tại Mỹ do giá quá cao, nếu Việt Nam nhập nguyên liệu tại quốc gia này về sản xuất thì giá thành phẩm sẽ đội lên rất cao, trong khi đó, lâu nay, nguyên liệu dệt may phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc.

Về hoạt động xuất khẩu, ngành may vẫn còn phụ thuộc vào các đối tác Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng dệt may Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản.

Mới đây, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đi tắt đón đầu TPP bằng cách dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á sang Việt Nam đã gây ra áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn yếu, năng suất lao động thấp, công nghệ lạc hậu.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về điểm yếu của doanh nghiệp trong nước, Tiến sĩ Lương Văn Khôi – Trưởng ban Kinh tế Thế giới – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, ngành mang lại ngoại tệ lớn này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế không cao do đến 69% doanh nghiệp hoạt động dưới hình thức gia công, với hiệu quả hoạt động của đa số các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng gần 40% mức hiệu quả tối ưu.

Bên cạnh đó, thách thức lớn đối với dệt may xuất khẩu sau khi TPP có hiệu lực là xuất xứ hàng hóa, với quy định “từ sợi trở đi”, hàm ý rằng việc sản xuất sợi, sản xuất vải và cắt may sản phẩm quần áo cuối cùng tất cả đều phải diễn ra tại nước xuất xứ. Trong khi đó, hiện tại, khoảng 80-90% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam đến từ các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc và Đài Loan. Dù các nhà đàm phán hiệp định TPP đã đồng ý cộng gộp quy định về xuất xứ giữa các nước thành viên, song đối với Việt Nam trước mắt vẫn bất lợi vì Trung Quốc và Đài Loan không phải là thành viên của TPP.

Cùng với đó, Mỹ quy định các nước tham gia TPP phải cắt giảm nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc cũng sẽ gây ra khó khăn cho Việt Nam trong ngắn hạn bởi nguyên liệu vải sợi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất hàng may mặc của Việt Nam. Nếu phải nhập khẩu từ các nước khác trong TPP, không có nước nào có thể cạnh tranh với Trung Quốc về giá, khiến hàng dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực tăng giá.

Tuy nhiên, trong dài hạn, điều này có thể giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc để phát triển ngành công nghiệp dệt trong nước nhờ thu hút các doanh nghiệp FDI vào khu vực này.

Do vậy, vị này khuyến nghị Chính phủ cần có giải pháp toàn diện để phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho ngành may mặc cũng như thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế các nước TPP phát triển đầu tư vào ngành dệt để cung cấp đầu vào cho ngành sản xuất trang phục Việt Nam.

Về phía hiệp hội, ông Phạm Xuân Hồng cho hay, đang cố gắng kết nối doanh nghiệp với nhau khai thác nguyên liệu dệt nhuộm, sợi trong nước để bước đầu cải thiện nguồn nguyên liệu, đảm bảo yếu tố xuất xứ nguồn hàng. Đồng thời tiến hành hợp tác với công ty nước ngoài triển khai các dự án sợi, dệt, nhuộm. Lúc đó, tỷ lệ nguyên liệu có nguồn gốc Việt nam sẽ tăng lên.

“Từ nay tới 2016 vẫn sẽ là giai đoạn chuẩn bị cho các doanh nghiệp, nếu để quá muộn, các đơn vị sẽ dễ dàng tụt lại phía sau khi mà nhu cầu đơn hàng tăng gấp 3 – 4 lần so với thời điểm hiện nay”, ông Hồng nói.

Thi Hà – Phương Linh

0913.756.339