Kết thúc phiên Mỹ, vàng giao ngay giảm 0,6% khi giao dịch ở 1.252,68 USD. Trong khi đó, vàng giao tháng 4 cũng giảm 0,4% còn 1.257,4 USD. Hôm qua, thị trường trong nước đóng cửa ở 33,79-33,89 triệu đồng và vàng miếng SJC đã đắt hơn thế giới.
Mỗi ounce vàng phiên hôm qua giảm 0,6%. Ảnh: AFP. |
Tuần trước, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới – SPDR – được ghi nhận có lượng nắm giữ vàng cao nhất trong năm qua. Tuy nhiên, Quỹ này hiện bắt đầu bán vàng ra. SPDR cho biết, đến hôm thứ Ba, tổng lượng vàng nắm giữ của họ giảm 2,4 tấn – đây cũng là đợt bán ra mạnh nhất của quỹ này trong vòng 4 tuần.
“Những gì các quỹ làm cho thấy tình hình đang dần thay đổi. Nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu dừng mua vào như để xác định đây là giai đoạn giá vàng có thể phục hồi thêm hay thay đổi ngược lại”, Brad Sanderson, Phó chủ tịch phụ trách Hàng hóa của Cohen & Steers ở New York nói.
“Thị trường chậm lại để quyết định lúc này nên dừng lại chờ giá rẻ hơn để mua hay tiếp tục”.
Giá vàng đi xuống còn vì sự phục hồi của dầu. Dầu Brent đã lấy lại mức 40 USD một thùng do có những dự đoán rằng các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ đồng ý tạm thời ngừng sản xuất trong tháng này. So với mức thấp của tháng 1, hiện giá dầu đã tăng trở lại hơn 40%. Giá dầu hôm qua tăng cũng góp phần đưa chứng khoán đi lên.
Chuyên gia Carsten Fritsch của Commerzbank nhìn nhận giá vàng đang bị ảnh hưởng bởi cùng lúc sự lên xuống của giá đôla, chứng khoán khởi sắc trở lại và lợi tức trái phiếu tăng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu với khả năng đưa lãi suất euro giảm sâu hơn để cứu khu vực đồng euro. “Nếu họ làm vậy, đồng đôla sẽ mạnh lên và thị trường sẽ lại được chứng kiến một cuộc thử thách của giá vàng trước đôla”, Robin Bhar – chuyên gia phân tích của Societe Generale nói.
Thanh Thanh Lan