Đằng sau mức tăng trưởng đột biến quý I

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2015 ước tính tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Con số này cũng vượt mọi dự báo của các chuyên gia cũng như tổ chức quốc tế, khi tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ tuần trước, các chuyên gia đưa ra kịch bản GDP chỉ tăng khoảng 5.5-5,6%, hay như ANZ và HSBC cũng lần lượt dự đoán tăng trưởng kinh tế quý I của Việt Nam khoảng 5,6-5,9%.

Một chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải đặt câu hỏi nghỉ Tết dài như vậy, lạm phát vẫn ở mức thấp, tại sao GDP lại cao để nói lên rằng, liệu có quá lạc quan vào tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Quan sát chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khái quát các điều kiện sản xuất tại Việt Nam được HSBC công bố, trong hai tháng đầu năm, chỉ tiêu này cũng không biến động quá lớn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, chỉ số PMI tháng 1 và 2 năm nay ở mức 51,5 và 51,7 điểm, so với mức 52,1 điểm và 51 điểm của cùng kỳ năm ngoái, nếu tính bình quân thì cùng kỳ hai tháng đầu năm gần như tương đương nhau.

Tuy vậy, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng quý I năm nay tăng tới 8,35%, gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ hai năm trước (quý I/2013 là 4,48% và quý I/2014 là 4,42%), chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) cũng tăng hơn 9%, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tới 12%, cao hơn nhiều mức tăng 5,4% của cùng kỳ năm trước.

Một chuyên gia trong ngành thống kê cũng không giấu được sự ngạc nhiên khi biết thông tin này. “Tôi khá bất ngờ về mức tăng của khu vực công nghiệp quý I năm nay”, vị này nói.

Việc GDP quý I bỗng nhiên tăng vọt, thậm chí vượt qua cả mức tăng trưởng của 3 năm qua không khỏi khiến những thành viên Chính phủ bất ngờ. Khi nhận được con số này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bùi Quang Vinh cho biết ông “vừa mừng vừa lo”, hay Thống đốc Nguyễn Văn Bình thậm chí còn thấy “giật mình”.

GDP-7333-1427851878.jpg

GDP quý I/2015 tăng vượt dự báo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế. Ảnh: Anh Quân

Trước những băn khoăn trên, ông Hà Quang Tuyến – Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cũng đánh giá GDP quý I tăng cao có thể khiến nhiều người thấy khá bất ngờ nhưng nếu xét các yếu tố động lực tăng trưởng thì không có gì bất thường mà hoàn toàn phù hợp. “Tăng trưởng kinh tế quý I năm 2015 được hỗ trợ của ngành công nghiệp và hầu hết các ngành dịch vụ kinh doanh”, vị này cho biết.

Theo ông Tuyến, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, công nghiệp quý I năm nay tăng 9%, gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm trước (4,17%). Hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,55%, cao hơn mức tăng 2,38% của cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh từ hơn 3.200 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo những tháng đầu năm cũng cho thấy gần 70% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng trong quý I tăng hoặc ổn định, trong đó 75% khẳng định có lượng đơn hàng xuất khẩu giữ nguyên hoặc cao hơn quý trước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng đà phát triển của nền kinh tế còn thể hiện ở chỉ số tiêu thụ điện. Trong quý I, điện sản xuất và mua ước đạt gần 34,9 tỷ kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước là 6,6%. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng có sản lượng điện năng tiêu thụ lên 17,7 tỷ kWh, tăng 18%.

“Tiêu thụ điện lớn chứng tỏ sản xuất tốt, phản chiếu mức tăng trưởng GDP trong quý”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho hay.

Liên quan đến lạm phát thấp (3 tháng đầu giảm giảm 0,1% so với cuối năm ngoái), lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh từ cuối năm 2014 làm giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm chứ không việc kinh tế có dấu hiệu giảm phát.

Ông Tuyến lý giải, theo hệ thống tài khoản quốc gia, tổng cầu của nền kinh tế bao gồm cầu cho tiêu dùng trung gian và cầu cuối cùng và các yếu tố này đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng cuối cùng quý I/2015 tăng 8,67%, cao nhất so với các năm từ 2011-2014, tương tự, tích lũy tài sản gộp tăng 6,7%, cao nhất so với 4 năm trước.

KTeQuyI-500-3131-1427855681.jpg

Một số điểm nhấn của kinh tế quý I. Chi tiết

“GDP hoàn toàn được tính toán sát thực và phù hợp với thông lệ quốc tế. Con số tăng trưởng 6,03% được thể hiện qua sự phát triển của ngành công nghiệp cũng như mức tiêu thụ điện sản xuất tăng”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định.

Theo ông, GDP theo quý được tính độc lập theo cả hai phương pháp là sản xuất (từ tăng trưởng của các ngành sản xuất) và phương pháp sử dụng (gồm tiêu dùng cuối cùng, tích luỹ tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ), và trong quý vừa qua, số liệu tính từ hai phương pháp này đều thống nhất.

Dù vẫn còn vấp phải nhưng ý kiến quan ngại liệu chỉ số sản xuất công nghiệp hay mức điện năng tiêu thụ đã được tính toán, thống kê chính xác hay chưa, nhưng căn cứ trên lập luận của cơ quan Thống kê, ý kiến của thành viên Chính phủ đưa ra đều là “con số tăng trưởng quý I vừa qua là có cơ sở”. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn còn tồn tại một số thách thức có thể ảnh hưởng lên mức tăng trưởng những quý tiếp theo.

Xuất khẩu, vốn được đánh giá là trụ đỡ cho tăng trưởng Việt Nam những năm vừa qua thì trong quý I chỉ tăng 6,9% (cùng kỳ năm ngoái tăng hơn 14%), đặc biệt là xuất khẩu nông sản giảm mạnh cả về giá và khối lượng. Trong khi đó, nhập khẩu lại tăng 16% khiến quý I nhập siêu tới 1,8 tỷ USD, bằng 5,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn xuất siêu.

“Việt Nam vẫn khẩu xuất thô là chính do vậy chịu tác động lớn từ thị trường bên ngoài. Xuất khẩu gạo, mủ cao su nhiều năm qua vẫn như vậy, ho nên dứt khoát phải tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp mạnh hơn”, Bộ trưởng Vinh phát biểu.

Bên cạnh đó, sự điều chỉnh của giá xăng dầu, giá điện cũng cũng có thể tác động lên sản xuất của các doanh nghiệp trong thời gian tới. Một chuyên gia trong ngành thống kê cho hay việc giá dầu giảm sẽ tác động tốt tới tăng trưởng, nhưng chỉ khi yếu tố này được lan tỏa vào nhóm hàng giao thông. “Trên thực tế, nhiều tuyến xe khách, vận tải vẫn chưa giảm giá, rồi việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng cũng có thể khiến sự lan tỏa này bị chặn lại”, ông nói.

Phát biểu tại một cuộc họp với 4 Bộ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định không lo lắm về mục tiêu tăng trưởng nhưng cần theo dõi chặt giá dầu, biến động của đồng đôla Mỹ để kịp thời có những phản ứng chính sách. “Mục tiêu đưa ra đầu năm chúng ta có thể đạt được, nhưng cũng không nên chủ quan. Kế hoạch tăng trưởng là 6,2% phải phấn đấu cao hơn, xuất khẩu phải tăng hơn 10%, kiểm soát nhập siêu dưới 5%”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Huyền Thư

0913.756.339