Đàm phán TPP nguy cơ trễ hẹn

Sau cuộc họp cấp bộ trưởng tại Hawaii tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài khóa Nhật Bản – Akira Amari cho biết các bộ trưởng “đã thống nhất cuộc họp tới sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 8”, ám chỉ khả năng đạt thỏa thuận cơ bản trong tầm tay. Giới quan sát cũng cho rằng các cuộc nói chuyện sẽ diễn ra vào 24-25/8, khi bộ trưởng kinh tế các nước ASEAN nhóm họp tại Malaysia.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán song phương Mỹ – Nhật Bản đã xác nhận khả năng này khó thành hiện thực. Các vấn đề như mở cửa thị trường sữa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn là khúc mắc. Bên cạnh đó, một số quan chức Mỹ cũng đang trong kỳ nghỉ hè, khiến việc đàm phán song phương với Nhật Bản càng khó khăn.

TPP-3928-1438918589.jpg

12 nước tham gia TPP vẫn chưa thể đạt thỏa thuận trong cuộc họp tháng trước. Ảnh: Reuters

Thời gian cho các quốc gia ký kết hiệp định trong năm nay đang dần trôi qua. Mỹ phải trình lên Quốc hội về hiệp định hoàn chỉnh 90 ngày trước khi ký kết. Và vì năm sau, nước này sẽ bầu cử Tổng thống, Mỹ rất kỳ vọng sẽ ký được TPP cuối năm 2015. Còn với Nhật Bản, kịch bản tốt nhất là có thỏa thuận trước bầu cử Thượng viện hè năm tới.

Cuộc đàm phán tại Hawaii tháng trước đã không đạt được thỏa thuận khi New Zealand muốn tăng xuất khẩu các sản phẩm từ sữa, trong khi Mỹ, Canada, Nhật Bản và các nước khác chưa sẵn sàng đồng ý. Bên cạnh đó, Mỹ muốn bảo hộ thuốc có bản quyền trong 12 năm, trong khi Australia và các quốc gia khác chỉ muốn tối đa 5 năm.

Mỹ từng tuyên bố lịch trình cụ thể cho phiên họp sắp tới chưa được sắp xếp, trong khi Nhật Bản đặt mục tiêu họp vào tháng này. Nhưng hiện tại, Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sớm nhất là tháng 9, đàm phán TPP mới được nối lại.

Là một trong 12 nước tham gia đàm phán TPP, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ đàm phán song phương với các nước tại vòng đàm phán Hawaii. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đàm phán và trao đổi bên lề với đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản – hai nước lớn nhất trong TPP, cùng lãnh đạo Malaysia, Mexico, Singapore và Canada.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), GDP Việt Nam sẽ tăng tới 2% nếu gia nhập TPP. Nền kinh tế cũng sẽ có thêm gần 13 tỷ USD vốn đầu tư, xấp xỉ mức tăng của Nhật và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ.

Hà Thu (theo Nikkei)

0913.756.339