Cướp chê tiền ở Venezuela vì lạm phát

cuop-che-tien-o-venezuela-vi-lam-phat

Đầu năm nay, một toán cướp tấn công xe của anh kỹ sư tên Pedro Venero. Venero tưởng rằng toán cướp sẽ dẫn giải anh đến ngân hàng để yêu cầu rút mớ tiền bolivar anh đang gửi ở đó. Nhưng chúng không màng đến số tiền này, lăm lăm súng đạn trong tay và hỏi rằng liệu anh có đôla Mỹ ở nhà. Khi biết anh chẳng có tờ đôla nào, toán cướp tỏ ra thông cảm và bỏ đi. 

Thái độ lạnh nhạt với đồng bolivar nói trên minh họa cho cảnh người dân Venezuela đã mất niềm tin như thế nào đối với nền kinh tế cũng như khả năng tìm ra lối thoát của chính quyền nước này. 

Một năm trước, mỗi đôla Mỹ mua được khoảng 100 bolivar trên thị trường chợ đen. Còn hiện tại, tỷ giá lên hơn 700 bolivar, bằng chứng về sự sụp đổ niềm tin vào nền kinh tế của người dân.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này sẽ chạm 159% trong năm nay, trầm trọng hơn con số chính thức chỉ bằng nửa mà chính phủ đưa ra. Nếu không kể đến quốc gia đang loạn lạc là Syria, Venezuela là nước có triển vọng kinh tế tệ hại nhất năm nay với tăng trưởng âm 10%. 

Đây là thảm họa trên bờ vực đối với một đất nước vốn ngồi trên một trong những mỏ dự trữ dầu lửa lớn nhất thế giới và từng được xem là giàu hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng.  

Trong khi lạm phát khiến giá trị thực tế của đồng nội tệ ngày càng rẻ như giấy vụn, chính quyền vẫn kiên quyết đóng băng tỷ giá ở mức 6.3 bolivar ăn một đôla Mỹ.

Điều này tạo nên những chênh lệch đáng ngạc nhiên giữa giá trị ảo và thật của hàng hóa trên thị trường. Ví dụ, một vé xem phim có giá 380 bolivar. Nếu tính theo tỷ giá của nhà nước, nó tương đương 60 USD. Nhưng thực chất trên thị trường chợ đen, số tiền chỉ bằng 54 cent. 

Mức lương tối thiểu tại đây hiện là 7.421 bolivar mỗi tháng. Theo chính phủ thì số tiền này tương đương 1.178 USD, nhưng thực chất nếu dân Venezuela mang đổi ra bạc xanh thì chỉ được 10,60 USD. 

Theo khảo sát, chi phí cho một tháng thực phẩm dành cho một gia đình 5 người đã lên tới 50.625 bolivar trong tháng 8, cao gấp 6 lần mức lương tháng cơ bản và đắt gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. 

Có những thứ hàng hóa tăng giá hàng ngày, như một thùng sơn trắng có giá 6.000 bolivar vào thứ ba, đến thứ sáu lên hơn gấp đôi. Nhiều hãng bảo hiểm giờ chỉ còn bán gói bảo hiểm cho xe ôtô 6 tháng mỗi lần, để giảm thiểu rủi ro giá cả phi mã không kiểm soát. 

cuop-che-tien-o-venezuela-vi-lam-phat-1

Người đàn ông ngủ trong xe trước một cửa hàng bán ắc quy xe hơi ở thủ đô Caracas. Có tới 80 chiếc xe đã qua đêm trước cửa hàng vì không muốn trở thành khách đến muộn vào sáng hôm sau. 

Trong bối cảnh khủng hoảng lạm phát càng trầm trọng, cuộc sống ngày càng nhiều chuyện kỳ lạ. Ví dụ, nếu ai đó muốn thay ắc quy mới cho xe, cái họ cần là gối. Lý do là họ sẽ phải ngủ suốt đêm đợi trước cửa hàng nếu không muốn chứng kiến cảnh mình xếp sau 80 xe đã chờ sẵn khi đến vào sáng hôm sau. 

Chưa hết, nhiều người Venezuela quyết định bỏ công việc thường nhật để đi buôn bán hàng hóa cơ bản như giấy vệ sinh, bột mỳ tại chợ trời. Bằng cách này, họ sẽ kiếm được gấp 3 đến 4 lần so với đồng lương trước đây. 

Tuy nhiên, cái thiếu khiến người dân đau đầu vẫn là tiền giấy, đặc biệt là tờ tiền mệnh giá lớn nhất 100 bolivar, tương đương 14 cent theo tỷ giá chợ đen. 

“Bạn có muốn biết tại sao có thể nói chúng tôi vừa có quá nhiều tiền vừa chẳng có đồng nào”, Ruth de Krivoy, từng là chủ tịch Ngân hàng Trung ương vừa nói vừa cười chua chát. Theo bà, vấn đề là chính phủ đã không theo kịp đà tăng giá bằng cách in những tờ tiền mệnh giá lớn, ví dụ 1.000 hay 10.000 bolivar. Do đó người ta phải cần nhiều tờ tiền hơn để mua cùng một thứ sản phẩm mà cách đây môt năm có khi họ chỉ tốn một nửa. 

Bên cạnh đó, khi người ta phải đổ ra chợ đen để mua những thứ không có trong siêu thị, họ giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt thay vì dùng thẻ. Do đó, ngân hàng luôn phải tiếp lượng lớn tiền vào các máy ATM – thường trở nên cạn kiệt một cách nhanh chóng vì quá nhiều người rút. 

Người thợ máy hàng không Jaime Bello kể với New York Times rằng một ngày nọ, ông đến ngân hàng để rút tiền tiêu và không ngạc nhiên, cả ba máy đều trống rỗng. Nhớ lại lần rút trước đó, ông đã phải chờ rất lâu để lấy cho được 2.000 bolivar vì chiếc máy chỉ nhả ra loại mệnh giá 5 bolivar – tương đương chưa đến một xu tiền Mỹ.

“Thật điên rồ”, ông nói. “Chúng tôi đang sống trong ác mộng. Chẳng có gì để mua và tiền thì cũng chẳng đủ giá trị để mua được gì”.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng mang lại cơ hội cho những người đủ kiên nhẫn xếp hàng mua hàng hóa giá rẻ của chính phủ và sau đó bán lại kiếm lời. 

“Tôi đã bỏ việc ở tiệm làm tóc để kiếm thêm bằng cách này”, Geraldine Cassiani, người phụ nữ làm việc ở một chợ trời cho biết. Bằng nhiều cách lắt léo, cô có thể mua được 4 bịch giấy vệ sinh mỗi lần trong khi theo quy định mỗi người chỉ được hai bịch. Sau khi mua xong, cô sẽ đi tìm ai đó sẵn sàng mua lại với giá cao gấp ba lần. 

“Một phần trong tôi biết rằng điều mình đang làm là xấu”, cô Cassiani nói. Nhưng mặt khác, cô cho biết mình là một người mẹ, vẫn phải xoay xở để nuôi các con.

Để minh họa cho việc một người sẽ không ngần ngại làm những điều mình không muốn trong trường hợp cần thiết, cô dùng một câu trích dẫn của nhà tiểu thuyết người Colombia Gabriel Garcia Marquez – “nhu cầu có khuôn mặt của một con chó”. 

Thanh Bình

0913.756.339