Tại hội thảo về truyền hình trả tiền hồi giữa năm 2014, lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp giải pháp đã đưa ra một hình ảnh so sánh khiến nhiều người suy nghĩ là cước xem truyền hình một tháng của nhiều gia đình có khi chưa bằng một bữa ăn sáng tại nhiều thành phố lớn. Các chuyên gia khi đó thừa nhận dù người tiêu dùng là bên được lợi trước mắt trong cuộc đua giảm cước này, song nó cũng cho thấy các “nhà đài” đang không có công cụ khác để cạnh tranh ngoài giá. Nếu điều này kéo dài, nguồn lực đầu tư để cải tiến nội dung, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng rất hạn chế, và người thua thiệt cuối cùng lại chính là khách hàng.
Hơn một năm sau, “ván cờ” cạnh tranh trên thị trường truyền hình trả tiền dường như vẫn chưa có nhiều thay đổi khi gần đây nhất, Truyền hình số vệ tinh K+ (VSTV) cũng công bố gói dịch vụ duy nhất với mức cước 125.000 đồng mỗi tháng, bằng một nửa so với giá cho gói cao cấp nhất trước đây. Doanh nghiệp này cũng miễn phí cho khách hàng của mình khi xem online trên máy tính hay thiết bị di động.
Điểm đáng chú ý trong động thái này là việc ngay từ khi gia nhập thị trường cách đây vài năm, K+ luôn định vị mình ở phân khúc chất lượng cao, với các nội dung thể thao, phim, kênh độc quyền. Tuy nhiên, sau nhiều lần đứng ngoài cuộc đua về giá, chiến lược của đơn vị này có vẻ đã thay đổi sau khi công bố đạt điểm hoà vốn vào cuối năm ngoái.
“Giai đoạn đầu tiên áp dụng mức giá mới có thể sẽ khó khăn, song chúng tôi kỳ vọng sẽ nhanh chóng chiếm thị phần để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt”, ông Lê Chí Công – Tổng giám đốc K+ chia sẻ. Vị này cũng cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt hơn một triệu thuê bao trong năm 2016, tăng gần 200.000 so với hiện nay.
Trước K+, rất nhiều đơn vị cung cấp truyền hình cáp từng gia nhập cuộc đua giá rẻ. Những mức cước chỉ vào khoảng 50.000 đồng, thậm chí 30.000 đồng mỗi tháng đối với một thuê bao đã được đưa ra. Tuy nhiên, chính sách giá đó vẫn không thu hút hoặc giữ được chân khách hàng, dẫn đến tình trạng thuê bao rời mạng khi những doanh nghiệp lớn thâm nhập thị trường với những nội dung phát sóng đa dạng và hấp dẫn hơn.
Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tìm mọi cách để kích cầu khách hàng, trong đó có cạnh tranh cả về giá cả, khuyến mại và chất lượng. |
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình, Bộ Thông tin & Truyền thông, cho biết theo Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình, đến 2020 sẽ có 60-70% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền.
“Như vậy, về độ phủ dịch vụ, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội, về phân khúc thị trường thì khoảng trống vẫn là các hộ gia đình ở các khu vực ngoại vi thành phố lớn và nông thôn với mức giá cước trung bình”, ông Yên nhận định. Do đó, việc một số doanh nghiệp tìm hiểu để đưa ra mức giá phù hợp là rất cần thiết.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình cũng cho rằng cạnh tranh về giá sẽ rất khó quyết định thành bại của doanh nghiệp. “Để cạnh tranh và phát triển lâu dài, doanh nghiệp phải tập trung nâng cao chất lượng truyền dẫn dịch vụ và mang đến cho thuê bao những nội dung thật sự hấp dẫn, đáp ứng đúng thị hiếu người dân theo từng vùng miền”, ông nhận định.
Quan sát động thái cũng như tham vọng của các doanh nghiệp, ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) nhận định thị trường năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm sôi động nhưng sẽ diễn biến phức tạp hơn trước với những toan tính khác nhau của các bên. Tuy nhiên, muốn phát triển tốt, điều quan trọng là các đơn vị vẫn phải xây dựng hoặc sở hữu được các chương trình, kênh riêng, nội dung khác biệt.
Trao đổi với VnExpress, đại diện các doanh nghiệp đều tỏ ra khá dè dặt trong việc tiết lộ các định hướng chiến lược trong năm 2016 với lý do sợ đối thủ đi trước một bước. Tuy nhiên, các đơn vị đều chờ đợi động thái của một “tay chơi” mới trên thị trường là MobiFone, sau khi đơn vị này mua lại và đang tiếp quản AVG.
Một chuyên gia thuộc Truyền hình kỹ thuật số VTC cho rằng sẽ không dễ dàng nếu MobiFone vẫn theo đuổi chiến lược giá rẻ của AVG mà không tìm cách để nâng cao chất lượng nội dung. Trước đó, đơn vị này từng tung những gói cước chỉ khoảng 20.000 đồng mỗi tháng hoặc miễn phí thuê bao 1-2 năm nhưng cũng chỉ phát triển được các thuê bao ở vùng nông thôn với giá trị gia tăng thấp.
“Nếu kinh doanh truyền hình trả tiền mà chỉ theo đuổi chiến lược phá giá thì cũng không dễ dàng trong việc phát triển thuê bao vì không có chi phí đầu tư nội dung tốt để thu hút khách hàng. Như vậy, dù có giá rẻ nhưng thuê bao dễ rời bỏ dịch vụ để tìm đến những nhà cung cấp chất lượng hơn”, ông Phan Thanh Giản – Giám đốc Dự án FPT Play nhận định. Ông cũng cho biết đơn vị này đang có những hướng đi mới về nội dung, đặc biệt là mảng phim ảnh, tuy nhiên lại chưa thể tiết lộ kế hoạch cụ thể.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng giám đốc K+ cho rằng dù tung ra chính sách cước mới, để phát triển lâu dài, mục tiêu hàng đầu của đơn vị này vẫn là chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cạnh tranh mạnh, giá cước các đơn vị chênh lệch nhau không đáng kể.
Ngọc Tuyên