Cuộc chiến TPP khác đang chờ ông Obama

Đồng thuận của 12 nước khu vực thương mại Xuyên Thái Bình Dương sau 5 năm đàm phán giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi được một bàn thắng quan trọng trong chính sách kinh tế của mình. Tuy nhiên, theo Financial Times, trận chiến thực sự vẫn còn ở phía trước. Điều đang chờ đợi ông dường như sẽ là một cuộc đấu trí chính trị đầy thách thức vào năm sau, khi đưa các điều khoản TPP ra trước Quốc hội Mỹ. 

Sự kiện này cũng diễn ra trong bối cảnh của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và ở phe Cộng hòa, người dẫn đầu trong số các ứng viên hiện nay là Donald Trump đang ngày càng gia tăng tiếng nói về chủ nghĩa bảo hộ.

“Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ là đòn tấn công vào các ngành kinh doanh của Mỹ. Đây là một hiệp định tồi tệ”, ứng cử viên tỷ phú đã phát biểu như thế vào đầu năm nay. 

Không chỉ mình ông Obama gặp khó khăn, Thủ tướng Canada – Stephen Harper cũng đang đứng trước cuộc bầu cử vào ngày 19/10 tới với thách thức đến từ nhiều bên. Một trong những đối thủ của ông còn lớn tiếng thề rằng sẽ đập tan tất cả những gì Thủ tướng vừa đàm phán.

Còn ở Nhật, sự ủng hộ dành cho Thủ tướng Shinzo Abe đang thụt lùi khi ông đối mặt với viễn cảnh không mấy sáng sủa để đưa TPP ra trước Lưỡng viện. 

cuoc-chien-tpp-khac-dang-cho-ong-obama

Tổng thống Obama sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn sau khi hoàn tất vòng đám phán Hiệp định TPP. 

Quay lại nước Mỹ, kết quả đồng thuận đưa ra sau 5 ngày đêm họp triền miên giữa các bộ trưởng vẫn đối mặt với nhiều hàng rào chính trị, nhiều thủ tục nhiêu khê. 

Theo quy định, ông Obama sẽ phải báo trước 90 ngày với Quốc hội trước khi định ký vào bất cứ hiệp định thương mại nào. Điều này có nghĩa ông sẽ không thể ký bất cứ cái gì trước đầu tháng một tới. Cộng thêm các yêu cầu khác, có thể phải đến giữa năm sau Quốc hội Mỹ mới xem xét thỏa thuận TPP vừa đạt được. 

Năm nay, vị Tổng thống đã phải dựa vào ủng hộ từ phe Cộng hòa để vượt lên trên sự phản đối của phe Dân chủ, đồng thời dùng quyền đàm phán nhanh mới kết thúc được vòng đàm phán TPP, cũng là hiệp định thương mại lớn nhất trong hai thập kỷ nay đối với Mỹ. 

Do đó, rủi ro lớn nhất với ông Obama hiện nay là các đảng viên đảng Cộng hòa có thể phiền lòng. Hai thỏa thuận khiến phe Cộng hòa băn khoăn nhất trong lần đàm phán vừa rồi là loại bỏ ngành công nghiệp thuốc lá ra khỏi danh sách được bảo hộ và rút ngắn thời gian bảo hộ độc quyền với dược phẩm sinh học.  

Ngoài ra, nhiều thành viên cũng cảm thấy không vui khi chính quyền Obama đẩy mạnh những vấn đề – ví dụ như tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam – được đưa ra bởi chính các thành viên Dân chủ từng tìm cách ngăn chặn thỏa thuận TPP hồi đầu năm. 

Với những lý do trên, nhiều khả năng ông Obama sẽ không thể dựa hoàn toàn vào đảng Cộng hòa khi đưa TPP ra trước Quốc hội Mỹ vào thời gian tới. 

“Bạn sẽ phải nhảy với người nào đưa bạn tới”, một đảng viên Cộng hòa nói, ám chỉ một người nên bày tỏ lòng trung thành nhất định với những ai đã đưa họ đến vị trí như ngày nay. 

Hôm thứ Hai, Orrin Hatch, một thành viên đảng Cộng hòa nhiều sức ảnh hưởng, đồng thời cũng là Chủ tịch Ủy ban tài chính Thượng viện cho biết kết quả đàm phán “thua kém ghê gớm” so với những gì ông đã kỳ vọng. 

“Chốt một phiên đàm phán chỉ được gọi là thành công khi nó có ích cho người dân Mỹ và được Quốc hội thông qua. Với nhiều chi tiết còn mới nổi lên, thật không may, tôi e rằng kết quả đàm phán chưa đạt yêu cầu”, ông nói và cho rằng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là cơ hội trăm năm có một, do đó nước Mỹ không nên đồng ý một thỏa thuận xoàng xĩnh vốn không đặt ra được những quy định thương mại tiêu chuẩn cao trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong những năm tới. 

Trong khi đó, nhiều quan chức của Mỹ tin rằng một khi thỏa thuận TPP hoàn chỉnh được bày ra, mọi sự nghi ngại sẽ bay biến và nhận được sự đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp, ngay cả khi một số ngành như dược phẩm có thể có vài phàn nàn. 

Ông Michael Froman, Đại diện Thương mại Mỹ, thì hoan nghênh thỏa thuận là “điều lành cho toàn bộ nền kinh tế” và sẽ dẫn đến nhiều bước tiến quan trọng trong việc đặt ra tiêu chuẩn cao hơn trong toàn vùng. 

Những người ủng hộ TPP cũng tin rằng một số viễn cảnh như lực lượng lao động mạnh lên, hay vấn đề môi trường sẽ thu phục được lá phiếu của những đảng viên Dân chủ vốn quay lưng với vị Tổng thống trong năm nay. 

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa thể bác bỏ là ông Obama có thể sẽ không có đủ sự ủng hộ từ chính đảng của mình khi đưa TPP ra trước Quốc hội, trong khi từ lâu Tổng thống thường bị chỉ trích bởi những người Cộng hòa. 

“Căng thẳng đã kéo dài từ khi người ta nói rằng trái tim của chính quyền Obama nằm trong đảng Dân chủ, nhưng những lá phiếu dành cho họ lại đến từ đảng Cộng hòa. Điều này tạo nên một động lực rất kỳ cục”, Philip Levy, thành viên của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu nói.

Một câu hỏi lớn hơn là với tình thế hiện nay khi mùa bầu cử sắp diễn ra và với tâm trạng bên trong đảng Cộng hòa, liệu có một cánh cửa chính trị nào giúp TPP đi qua được cửa ải Quốc hội. Nhiều người tin rằng một cánh cửa như thế thực sự tồn tại, và rằng lá phiếu ủng hộ TPP có thể đã được dành sẵn từ trước năm sau. 

Nhưng kể cả khi các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ TPP, họ vẫn thích ủng hộ cùng một chính quyền đảng Cộng hòa hơn. Một chính quyền như vậy thành hiện thực vào kỳ bầu cử tới có thể sẽ mở ra cơ hội cho thỏa thuận của Hiệp định, đồng thời giải quyết những vấn đề họ đang băn khoăn. Nhiều chuyên gia tin rằng TPP sẽ có thể đặt ra một tiền lệ mang tính toàn cầu trong các vấn đề chủ chốt. 

Thỏa thuận đã xong. Nhưng cuộc chiến quan trọng vẫn còn ở phía trước.

Thanh Bình

0913.756.339