Cục Quản lý giá: Xăng, điện tăng giá cùng lúc là ngẫu nhiên

Việc điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường được đại diện Bộ Tài chính, Công Thương và chuyên gia tiếp tục bàn thảo tại tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (16/3). Sự kiện này diễn ra đúng thời điểm giá điện được tính theo giá mới, với mức tăng bình quân 7,5%, theo quyết định của Bộ Công Thương. Trước đó 5 ngày, giá bán lẻ xăng dầu cũng tăng 710-1.600 đồng.

Trả lời câu hỏi vì sao 2 mặt hàng quan trọng này cùng tăng giá một lúc, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn khó khăn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng đây chỉ là “ngẫu nhiên”, khi kế hoạch tăng giá điện đã được chuẩn bị từ lâu, trong khi việc điều hành xăng dầu hiện đã bám sát theo thị trường thế giới. Vị này cũng nhận định mức tăng bình quân 7,5% của giá điện là phù hợp với chi phí đầu vào.

Riêng với lo ngại cho rằng 2 mặt hàng tăng cùng lúc sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nói chung, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính đã có các biện pháp để tránh tình trạng “té nước theo mưa”. “Với các mặt hàng trong diện kê khai giá thì phải thực hiện đầy đủ. Nếu muốn tăng thì phải báo cáo đầy đủ chi phí đầu vào hoặc bị xử lý nếu không đúng quy định”, ông Tuấn nói.

Trước đó, theo quyết định của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sẽ dao động trong khoảng 1.484-2.587 đồng mỗi kWh. Trong đó, nhóm bậc thang tiêu thụ dưới 100 kWh có mức tăng thấp hơn bình quân. Ngược lại các hộ có mức tiêu thụ cao hơn ngưỡng nêu trên sẽ chịu mức tăng cao hơn bình quân (7,5%). 

Ngoài ra, các ngành sản xuất vào giờ cao điểm phải chịu giá bán là 2.735 đồng, giờ bình thường là 1.453 đồng và thấp điểm 869 đồng mỗi kWh. Khối hành chính sự nghiệp có giá điện mới 1.460- 2.735 đồng một kWh. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm và thấp điểm, tương ứng là 3.991 đồng và 1.185 đồng mỗi kWh.

Chí Hiếu

0913.756.339