Trao đổi với báo chí, cư dân tại chung cư Skylight, Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ bức xúc về việc quản lý tòa nhà của chủ đầu tư, mà theo họ kém hiệu quả và không minh bạch.
Cụ thể, chung cư Skylight gồm 2 tòa tháp 22 tầng, do Tổng công ty cơ khí xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư đưa vào vận hành từ đầu năm 2014. Theo các cư dân tại đây, sau một năm hoạt động với 500 hộ, đến nay đơn vị chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định.
“Hiện tại, Ban quản lý không phải là đơn vị độc lập mà vẫn trực thuộc COMA. Trong khi nếu theo quy định, sau một thời gian vận hành tòa nhà, chủ đầu tư phải chọn một đơn vị có chức năng, chuyên môn để quản lý. Chúng tôi cũng chưa được lấy ý kiến về điều này”, đại diện cư dân cho hay.
Việc mập mờ thu-chi giữa diện tích chung và riêng của chủ đầu tư dự án khiến cư dân bức xúc. |
Vị này cũng cho biết, trong hợp đồng mua bán, ngoài tầng hầm thuộc chủ đầu tư thì phần diện tích tầng kỹ thuật không được đề cập. Cư dân hiểu quy định như vậy đồng nghĩa với việc đây là sở hữu chung. Tuy nhiên, Ban quản lý lại cho thuê mặt bằng khu vực này làm phòng tập gym, trung tâm ngoại ngữ… Các khoản thu chi liên quan cũng được phản ánh là không công khai với người dân.
Đầu năm 2015, đại diện tòa nhà đưa ra phương án phí dịch vụ 7.000 đồng một m2, sau đó tạm thu 5.000 đồng. Tuy nhiên, cho rằng mức này vẫn quá cao so với mặt bằng chung, phần lớn cư dân đã không đồng tình.
“Việc phân bổ chi phí của chủ đầu tư không hợp lý, trong đó đã không tính đến hoạt động 2 tầng hầm. Ngoài ra, phần chi trực tiếp và thường xuyên có nhiều khoản quá cao, hoặc tính cả những nội dung không có trong cơ cấu phải chi”, đại diện này cho biết.
“Phần thu gom vận chuyển rác thải, bảo hiểm an ninh trật tự lại được dự tính ở mức cao. Đây là những khoản mà lâu nay cư dân không được xuất bất kỳ một hóa đơn chứng từ nào”, vị này nói thêm.
Trao đổi với VnExpress, ông Dương Văn Hồng – Tổng giám đốc COMA cho biết, những vấn đề liên quan đến tòa nhà Skylight, chủ đầu tư đã ủy quyền để Ban quản lý giải quyết. Riêng việc đánh giá phí dịch vụ cao hay thấp là khó tránh khỏi nếu như cả cư dân và chủ đầu tư không thống nhất được với nhau. “Còn vấn đề tầng dành cho kỹ thuật thuộc sở hữu chung, theo vị này trên thực tế chưa có văn bản nào quy định. “Sở hữu chung chỉ là phòng, buồng hoặc khu vực kỹ thuật, chứ không ai đề cập đến tầng kỹ thuật” , ông Hồng nói.
Theo ông Nguyễn Tường Lân, Phó ban quản lý tòa nhà, mức phí 7.000 đồng đang là phương án nằm trong “dự thảo” không phải là quyết toán. “Nếu cư dân không đồng tình có thể tính toán lại cho hợp lý. Hiện nay do chưa thống nhất được mức thu nên 5.000 đồng vẫn là tạm thu ban đầu”, ông Lân nói.
Đối với một số khoản tiền phát sinh, vị này khẳng định, những chi phí liên quan đến phạm vi tòa nhà đều phải phân bổ vào chi phí chung. “Ngay như đồng phục bảo vệ thuộc danh mục trang thiết bị, công cụ làm việc đương nhiên phải được tính vào”, đại diện Ban quản lý nhấn mạnh.
Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An cho biết, theo Luật Nhà ở (2005) không quá 12 tháng kể từ khi chung cư được khai thác chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị để bầu ra Ban quan trị. Tổ chức này có quyền lựa chọn một đơn vị quản lý vận hành, đồng thời giám sát hoạt động của doanh nghiệp quản lý nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký.
“Tòa nhà Skylight đã hoạt động được hơn một năm, đến nay vẫn chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị vậy là trái quy định của Luật Nhà ở”, luật sư cho biết.
Đối với tranh chấp diện tích chung-riêng, ông Vinh cho biết, theo Quy chế quản lý sử dụng chung cư của Bộ Xây dựng thì tầng kỹ thuật (tầng lửng) được xác định là “phần sở hữu chung”. Do vậy, chủ đầu tư hay Ban quản lý không được tự ý kinh doanh khi chưa có sự đồng ý của cư dân. Trường hợp cho thuê, nếu có thỏa thuận thì tiền thu được cũng phải sử dụng công khai, minh bạch, không được hưởng lợi riêng.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra bất đồng giữa cư dân và Ban quản lý tòa nhà Skylight. Trước đó, hồi tháng 5/2014 cư dân tại đây đã có văn bản gửi cơ quan quản lý khi chủ đầu tư thu tiền nước sinh hoạt giá gấp đôi quy định, tiền điện bằng giá hộ kinh doanh. Khi đó, theo lý giải của COMA, do tòa nhà mới đi vào vận hành, chưa làm xong các thủ tục để các hộ dân được ký hợp đồng với điện lực và đơn vị cung cấp nước sạch. Vì thế, phải tính giá điện, nước theo hộ kinh doanh.
Thành Tâm