Phiên giao dịch 5/1 ghi nhận hơn 7,5 triệu cổ phiếu HAG khớp lệnh, tương đương khoảng 72,5 tỷ đồng. Thanh khoản cao, song giá cổ phiếu lại tạo đáy mới khi lần đầu giảm sâu hơn mệnh giá, chỉ còn 9.600 đồng (giảm 500 đồng so với phiên trước đó). Bảng điện tử tại thời điểm kết phiên giao dịch cũng còn tồn khá nhiều lệnh mua chứng khoán này ở giá 9.400 đồng.
Giá đóng cửa nêu trên là mức thấp nhất của cổ phiếu HAG kể từ khi lên sàn ngày 15/12/2008. Trong năm 2015, mã này đã giảm giá 53,2% và đà lao dốc vẫn tiếp tục trong những ngày đầu năm 2016. Trong phiên 4/1, giá cổ phiếu này cũng rớt 300 đồng.
Chịu tác động từ xu hướng giảm chung của chứng khoán Châu Á, sắc đỏ cũng bao phủ thị trường Việt Nam hôm nay. Chốt phiên 5/1, VN-Index tiếp tục mất thêm 4,5 điểm, về gần 570 điểm. Toàn sàn có 138 mã giảm, gấp đôi số mã tăng điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng giảm hơn một điểm xuống 78,4 điểm. Toàn sàn có 131 mã giảm điểm, 67 mã tăng điểm. Thanh khoản hai sàn ở mức thấp, chỉ khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Hàng loạt các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn đã giảm mạnh như BVH giảm 1.000 đồng, SSI giảm 800 đồng, VCB giảm 700 đồng, HHS giảm 400 đồng, VNM giảm 1.000 đồng, PVD giảm 1.300 đồng…
Một số mã cổ phiếu lớn khác có mức giảm nhẹ hơn là MBB giảm 100 đồng, PVI, HPG và CII đều giảm 300 đồng, CTG giảm 200 đồng, FLC giảm 200 đồng, VND giảm 100 đồng. Chỉ một số ít blue-chip giữ được giá trong phiên hôm nay là VIC, FPT, KDC, DPM, BMI, HNG, TTF…
Trước những biến động khó lường của thị trường chứng khoán Trung Quốc cùng với sự thay đổi cách tính tỷ giá, Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định những rủi ro hiện hữu vẫn còn rất lớn và nhà đầu tư nên đứng ngoài, quan sát thị trường.
Bạch Dương