Cổ đông HDBank muốn chia cổ tức bằng tiền mặt

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng Phát triển TP HCM diễn ra sáng 18/4, nhiều cổ đông tỏ ra bức xúc vì không được chia cổ tức bằng tiền mặt.

Cụ thể, mức chia 5% được cổ đông cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay, song hình thức chia bằng cổ phiếu thì cần xem lại vì ngân hàng đã có lợi nhuận, đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ. Hơn nữa, với quy mô hiện tại (vốn điều lệ trên 8.100 tỷ), nhiều ý kiến cho rằng HDBank chưa cần thiết phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn mà nên chia tiền mặt để chia sẻ với các cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ trước tới nay.

Một cổ đông khác cũng cho biết, ông đã gom góp cả trăm triệu đồng đầu tư vào ngân hàng, cuối năm chỉ mong nhận được chút tiền lời để chi tiêu cho gia đình. “Nếu giờ ngân hàng chia bằng cổ phiếu sẽ quá thiệt thòi cho chúng tôi”, một cổ đông bộc bạch.

hd-9905-1429339404.jpg

Cổ đông biểu quyết đòi chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu. Ảnh: LC.

Với những lý do trên, cổ đông tham dự đại hội đã đồng loạt đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu. Trước kiến nghị này, Hội đồng quản trị cho biết sẽ ghi nhận và trình lên Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến phê duyệt, do không thể tự quyết.

Chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục 2 Cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, những yêu cầu, kiến nghị của cổ đông là rất chính đáng vì những đồng vốn bỏ ra đầu tư là mồ hôi, nước mắt của mỗi người.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng nếu chia cổ tức bằng tiền mặt, có thể sẽ thoả mãn một vài quyền lợi trước mắt cho cổ đông, nhưng bất lợi trong lâu dài. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đều trong giai đoạn tái cơ cấu, vấn đề an toàn hoạt động, nâng cao năng lực tài chính là rất cần thiết. Nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu thì tiền lời của cổ đông vẫn nằm đó chứ không mất. Ngược lại, số tiền nêu trên có thể giúp ngân hàng tăng vốn hoạt động, có nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

Ông cũng nói thêm, trước đây nhiều ngân hàng vì thoả mãn quyền lợi trước mắt cho cổ đông nên đã mạnh tay chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao mà không quan tâm đến yếu tố an toàn hoạt động hệ thống, cuối cùng dẫn đến những hệ quả đáng tiếc. “Do đó, tôi hy vọng các cổ đông sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên lợi ích tổng thể hài hoà giữa ngân hàng và cá nhân cổ đông”, ông Dũng nói.

Ngoài vấn đề cổ tức, các cổ đông HDBank sáng nay cũng đề nghị Ban quản trị làm rõ tại sao đến nay vẫn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị giải thích, năm 2014 là giai đoạn mà nhà băng phải tập trung tái cơ cấu và tích hợp hoạt động sau sáp nhập 2 tổ chức (sáp nhập DaiABank và mua lại 100% vốn Công ty Tài chính Việt – SGVF).

Hơn nữa, giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay chưa có lợi nên HDBank thấy rằng chưa phù hợp để niêm yết. “Năm 2015 chúng tôi đặt mục tiêu sẽ niêm yết nhưng phải trong điều kiện thị trường thuận lợi, còn nếu vẫn bất lợi cho cổ đông thì ngân hàng sẽ tiếp tục chờ thời”, bà nói.

Tại đại hội, lãnh đạo HDBank cho biết thêm, thời gian qua ngân hàng lập hẳn nhóm nghiên cứu để tìm kiếm đối tác ngoại. Gần đây đã có nhiều đối tác chiến lược từ Mỹ, Đông Âu đến tìm hiểu. “Chúng tôi sẽ cân nhắc đối tác phù hợp, có lợi cho cổ đông nhất rồi mới quyết định lựa chọn một cách thận trọng”, đại diện HDBank thông tin.

Theo báo cáo của ban điều hành, trong năm 2014, tổng tài sản của HDBank đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 15,4% so với 2013. Huy động vốn tăng 16%, dư nợ cho vay tăng 10% so với cuối năm 2013. Nợ xấu chiếm 1,4% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 0,6%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 6,9%.

Năm 2015 ngân hàng đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên gần 121.000 tỷ đồng, tăng 21,5% so với 2014; huy động vốn tăng 11,5%; tăng trưởng tín dụng tăng 11%; lợi nhuận trước thuế 830 tỷ đồng. ROA duy trì ở 0,6% và ROE là 8%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Lệ Chi

0913.756.339