Kết thúc chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, chiều 19/9, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) – Takehiko Nakao vừa có buổi gặp gỡ báo chí nhằm thông báo những kết quả đạt được sau các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á. |
– Lần thứ 2 trở lại Việt Nam, ông có nhận định như thế nào về môi trường kinh tế vĩ mô, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% mà Chính phủ đề ra cho 5 năm tới?
– Theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay ở mức 5,6%, có thể tăng lên 5,8% vào năm sau. Tuy nhiên, tôi cho rằng kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu thuận lợi, con số này có thể lên trên 6% và ngược lại có thể thấp hơn.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã mạnh hơn, nhanh hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh việc đặt ra một chỉ tiêu cao không quan trọng bằng tập trung vào chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng nguồn lao động.
– Có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong 2 ngày qua, ông đã đưa ra những lời khuyên nào để giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế?
– Trong 2 ngày qua tôi đã có nhiều cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, chủ yếu bàn việc tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đã phục hồi, dần ổn định. Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi về pháp lý với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Khi trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tôi có lưu ý việc cần quản lý chặt hơn các ngân hàng thương mại, siết quy định về an toàn, ngăn ngửa rủi ro, làm cho hoạt động ngành minh bạch hơn.
Về doanh nghiệp Nhà nước, tôi cho rằng vấn đề then chốt Việt Nam giải quyết là số lượng các đơn vị này còn nhiều, cả quy mô lớn lẫn nhỏ. Tư nhân hóa, cổ phần hóa là biện pháp hiệu quả, tăng cường được năng lực quản lý vận hành. Điều quan trọng với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là cần thúc đẩy khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh hơn nữa. Ngoài ra, các bạn cũng cần cải thiện khu vực tài chính, thông qua đó có thể phân bổ và huy động vốn hiệu quả hơn để phát triển.
– Một vấn đề được nhiều tổ chức quốc tế lưu ý Việt Nam là môi trường kinh doanh. Cá nhân ông cảm nhận như thế nào?
– Đáng buồn cho Việt Nam là có chỉ số thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tốt, nhưng chỉ số về môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn chưa cải thiện. Tôi được biết theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam thấp hơn trung bình, thấp trong nhóm 10 nước ASEAN. Việt Nam cần nỗ lực nhiều để làm cho môi trường kinh doanh của mình lành mạnh hơn.
– Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang thu hút khá nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về dòng vốn này?
– Tôi cho rằng nguồn vốn FDI vào Việt Nam mạnh nhưng chưa tạo ra những giá trị cần có như kỳ vọng. Các bạn cần khai thác tốt hơn bằng cách thúc đẩy nhóm các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu các doanh nghiệp FDI chỉ nhập linh kiện từ nước ngoài về và lắp ráp tại Việt Nam, hiệu quả mang lại cho nền kinh tế sẽ thấp.
Ngoài ra, bên cạnh thu hút FDI, Việt Nam cẩn phát triển cả doanh nghiệp trong nước, đảm bảo sân chơi bình đẳng giữa họ và doanh nghiệp nước ngoài. ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa khối doanh nghiêp vừa và nhỏ.
– Một mô hình hợp tác đầu tư được nhắc đến nhiều ởViệt Nam gần đây là hợp tác công – tư (PPP). Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam khi áp dụng mô hình này?
– Hợp tác Nhà nước tư nhân (PPP) không phải cây đũa thần, dù hiện nay Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tốt trong nhiều dự án xây dựng, cơ sở hạ tầng. Nhà quản lý cần xác định chương trình nào phù hợp để áp dụng PPP. Hợp tác Nhà nước – tư nhân không phải là phương thuốc chữa bách bệnh. Có những dự án thiết kế tốt, chuẩn bị tốt, thì mới thu được lợi ích tốt nhất. Trong một số trường hợp, dự án PPP có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thanh Bình (ghi)