Chộn rộn đổi tiền lì xì Tết

Mai cho biết, bên nhà chồng chị có tục ngày mùng 1 Tết họ hàng gặp nhau đều lì xì bao đỏ. Chị tâm sự, do bà con đông, ngoài những người đặc biệt như ông bà nội, ngoại thì mới mừng khoảng 100.000- 200.000 đồng, còn những người khác như cháu họ hoặc trẻ hàng xóm đến chơi thì mừng tuổi 10.000 đồng hoặc 20.000 đồng lấy may.

“Năm nào tôi cũng nhờ bạn bè làm ở ngân hàng đổi hộ vài ba triệu đồng. Nhưng vì ngân hàng thường cho hạn mức mỗi nhân viên chỉ được 3-4 triệu đồng nên họ cũng chỉ dành cho mình được tầm một triệu. Do đó, để đổi được 3 triệu đồng, tôi phải nhờ 2-3 người bạn”, cô nói.

Tuy nhiên, theo Mai, năm nay đến thời điểm này vẫn chưa biết có đổi được nữa không bởi họ hiện có quá nhiều người nhờ nên cũng khó.

chon-ron-doi-tien-li-xi-tet

Tết năm nay tiền mệnh giá 5.000 đồng trở xuống không được in mới.

Hà Lan, nhân viên một công ty điện tử tại Tân Bình cũng chia sẻ, vào mỗi dịp Tết, ngoài việc chuẩn bị thực phẩm, hoa để vui xuân thì gia đình cô, ai cũng sốt sắng với khoản tiền lẻ mừng tuổi và đi lễ chùa.

Mỗi năm, cả nhà Lan cần tầm 3-5 triệu tiền lẻ mệnh giá các loại 5.000, 10.000 và 20.000 đồng để phục vụ cho mục đích này. Và nhiệm vụ đó năm nào cũng đều giao phó cho cô lo. Vì không có bạn bè làm bên ngân hàng nên năm trước, Lan phải bỏ cả buổi trời, chạy vòng mấy ngân hàng mới đổi được 4 triệu đồng tiền lẻ, mới. “Giờ tôi đang lo không biết năm nay có đổi được không”, cô nói.

Đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng, cũng như mọi năm, ngân hàng luôn được phân bổ lượng tiền lẻ nhất định nên áp lực về loại tiền này sẽ không quá lớn. “Chúng tôi có thể đáp ứng được nhu cầu tiền lẻ của tất cả khách hàng. Nếu doanh nghiệp hay khách hàng cá nhân có nhu cầu đổi tiền lẻ mới thì gửi công văn hoặc đến thông báo trước về số lượng cũng như loại tiền cần đổi để ngân hàng có thể chuẩn bị”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM nói.

Tuy nhiên, nếu trực tiếp đến các ngân hàng đổi, khách được đáp ứng chủ yếu là loại tiền cũ mệnh giá nhỏ. Theo lý giải của nhân viên kho quỹ của các nhà băng, lượng tiền lẻ mà Ngân hàng Nhà nước chuyển xuống các ngân hàng thương mại khá lớn nhưng chủ yếu là tiền cũ của năm trước.

“Hiện tại chúng tôi không có nhiều tiền lẻ mới để đổi cho khách hàng và chưa biết bao giờ mới có nên chỉ ưu tiên cho những khách hàng VIP. Còn các loại tiền cũ (mệnh giá 20.000 đồng trở xuống…) thì khách hàng bình thường có thể đến giao dịch”, nhân viên OCB cho biết.

Thu Hương, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP HCM cho biết thêm, mấy ngày qua, cô bù đầu với những đề nghị đổi tiền tiền lẻ cho khách.

“Năm nào ngân hàng tôi cũng dành các suất đổi tiền lẻ mới cho những khách hàng VIP coi như là một dịch vụ cộng thêm để giữ họ gắn bó lâu dài hơn. Năm ngoái, có ngày, mình tôi đổi gần cả tỷ đồng cho khách hàng nên phải kiểm, đếm hoa cả mắt”, cô nói.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thông thường các năm trước, nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ và mới loại 10.000 và 20.000 đồng rất được ưa chuộng để làm tiền mừng tuổi đầu năm.

Cơ quan này khẳng định, năm nay cũng sẽ đáp ứng đầy đủ cơ cấu các mệnh giá tiền nên không lo bị thiếu. Những năm gần đây Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều tiết, có kế hoạch chi thường xuyên và liên tục trong suốt năm chứ không để dồn vào cuối năm như trước kia. Bất kể lúc nào, ngân hàng thương mại có yêu cầu đều được đáp ứng lượng tiền lẻ.

Chia sẻ với báo chí mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm nay các mệnh giá 10.000 đồng trở lên, Ngân hàng Nhà nước vẫn đưa ra một lượng tiền mới nhất định và đảm bảo đủ số lượng để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Riêng các loại tiền mệnh giá nhỏ (5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng) thì Ngân hàng Nhà nước sẽ không in mới mà đưa vào lưu thông dịp Tết năm nay bằng các loại tiền cũ.

Liên quan đến vấn đề tiền lẻ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho rằng, nhu cầu sử dụng tiền mới cho việc lì xì là có thật, nhưng không đến nỗi phải đẩy lên thành một hiện tượng không lành mạnh, để nhiều người lợi dụng trục lợi. “Chỉ khi nào thật sự cần thiết mới đổi, nhất là đừng lạm dụng đổi tiền lẻ để đi lễ, cúng chùa mà làm rối thị trường”, cơ quan này khuyến cáo.

Trong lưu thông tiền tệ của Việt Nam hiện nay gồm có các mệnh giá từ 200 đồng đến 500.000 đồng. Nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ thường tăng cao cục bộ vào dịp cuối năm để đi lễ, chùa…, dẫn đến phát sinh loại hình kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.

Lệ Chi

0913.756.339