Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2016 tăng 6,7%

Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 vừa được Chính phủ ban hành hôm nay (9/1).

Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%..

Để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, cơ quan điều hành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực; tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Tài chính điều hành dự toán ngân sách chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Nghị quyết Quốc hội. Tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế. 

Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm, đồng thời nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cao năng lực dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô để chủ động đề xuất các chính sách phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế. Theo dõi diễn biến tình hình biến động giá dầu thô, sản lượng khai thác; đánh giá các tác động ảnh hưởng của biến động giá dầu thô đến tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và đề xuất giải pháp ứng phó.

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. 

Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương kiểm soát chặt chẽ về mục tiêu, hiệu quả đầu tư và những tác động đến kinh tế vĩ mô của vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn vay khác của nhà nước. Tập trung vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để đầu tư các dự án quan trọng, cấp bách, có tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Khuyến khích huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội, bằng các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh, liên kết…

Trung Đức

0913.756.339