Chiến tranh lạnh trong làng smartphone châu Á

Hàn Quốc và Trung Quốc đang áp dụng các chính sách chống độc quyền, trong đó tính đến yêu cầu các công ty như Apple và Qualcomm cấp quyền sử dụng bằng sáng chế cho các đối thủ dễ dàng và rẻ hơn. Việc này sẽ giúp các công ty châu Á có lợi thế hơn trước các đối thủ ngoại. Brazil và Ấn Độ cũng đang cân nhắc động thái tương tự.

Những chính sách này có khả năng thay đổi cán cân quyền lực trong ngành công nghiệp di động toàn cầu. Chúng sẽ làm yếu khả năng cạnh tranh tại Trung Quốc – thị trường điện thoại lớn nhất thế giới, và nhiều quốc gia khác, của Apple, Microsoft và Qualcomm. Đây là những tên tuổi thường xuyên nằm trong top 15 tổ chức được cấp bằng sáng chế nhiều nhất mỗi năm tại Mỹ.

“Chúng ta đang quay về thời chiến tranh lạnh với lý thuyết domino. Giới chức Trung Quốc đã nhìn thấy khả năng việc sử dụng các bằng sáng chế này có thể ảnh hưởng đến các công ty trong nước, trong đó có các doanh nghiệp quốc doanh”, Bradley Lui – luật sư chống độc quyền tại Morrison & Foerster nhận xét.

smartphone-2405-1432712954.jpg

Apple có thể sẽ nhận được ít tiền bản quyền hơn tại Trung Quốc. Ảnh: Tech Crunch

Giới chức châu Á cũng đang quan tâm đến cuộc chiến smartphone trị giá hàng tỷ USD của các đại gia công nghệ trên toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc đã nghiên cứu kỹ hơn chính sách bản quyền của mình, sau khi chứng kiến các cuộc tranh luận tại Washington về việc liệu bản quyền sẽ thúc đẩy hay kìm hãm sáng tạo.

Các chính sách mới của Hàn Quốc đã có hiệu lực từ tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, luật của Trung Quốc sẽ được áp dụng từ tháng 8. Brazil và Ấn Độ chỉ vừa bắt đầu soạn thảo chính sách.

Ủy ban Công bằng Thương mại hàn Quốc cho biết các chính sách của họ nhằm “cải thiện sự thống nhất” trong thực thi luật chống độc quyền và ngăn các công ty có bằng sáng chế đòi hỏi tiền bản quyền quá cao.

Đề xuất của Trung Quốc, cũng như Hàn Quốc, có 2 mục chính. Một liên quan đến bản quyền cho các công nghệ chuẩn mực của ngành, như Wi-Fi. Còn lại là yêu cầu các tính năng đặc biệt, như “trượt để mở khóa” của Apple hay phần mềm đồng bộ lịch của Microsoft phải được cấp quyền cho các hãng khác nếu được gắn mác là “thống trị” hay “cần thiết”.

Dù vậy, nhiều công ty cho rằng chẳng có bằng chứng nào cho thấy các bằng sáng chế của họ đang bị sử dụng sai mục đích. Vì thế, họ không cần những điều luật này. “Hệ thống của chúng ta đã hoạt động rất nhiều năm nay. Nó được xây dựng trên cơ sở đồng thuận toàn cầu, để bảo vệ các sản phẩm có bằng sáng chế được bán trên thế giới”, Kasim Alfalahi – Giám đốc Quyền sở hữu trí tuệ tại Ericsson cho biết.

Tại Mỹ, một tòa án đã phán quyết Apple không được yêu cầu Samsung gỡ bỏ các tính năng ra khỏi điện thoại. Trong khi đó, tại Trung Quốc và Nhật Bản, Chính phủ sẽ là bên yêu cầu họ phải cấp quyền sử dụng các tính năng đó cho bất kỳ hãng điện thoại nào.

Giới phân tích nhận định quan chức Trung Quốc và Hàn Quốc chỉ đang chính thức hóa các quy định đã tồn tại từ lâu tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, hiệu quả còn phụ thuộc phần lớn vào cách Chính phủ áp dụng các điều luật này.

“Họ mới tham gia lĩnh vực này nên rất thận trọng. Nếu làm quá, anh có thể tự gây tổn thương cho bản thân, do làm giảm động lực sáng tạo. Việc cân bằng rất khó đấy. Giới chức Trung Quốc cũng đang vật lộn với điều đó”, Jim O’Connell tại hãng luật Covington & Burling cho biết.

Tại Mỹ và châu Âu, giới chức tuyên bố nhiệm vụ của họ không phải là giải quyết các tranh chấp thương mại mà là đảm bảo sự cạnh tranh. “Chính phủ Hàn Quốc và Trung Quốc có thể có quan điểm khác tùy theo quyền lợi kinh tế của từng nước”, Lui cho biết.

Qualcomm có 63% lợi nhuận từ bằng sáng chế năm ngoái. Tuy nhiên, hãng đang bị điều tra trên 3 châu lục về hoạt động cấp quyền. Hồi tháng 2, họ đã phải nộp phạt 975 triệu USD cho Chính phủ Trung Quốc, đồng thời cho phép các hãng sản xuất nước này trả phí bản quyền thấp hơn.

Còn với Microsoft, thương vụ mua mảng thiết bị cầm tay của Nokia đã được tất cả các nước chấp thuận, trừ Hàn Quốc. Do nước này đang muốn được nhượng bộ với một số bằng sáng chế của Nokia.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, Microsoft đã phải chấp nhận nhận tiền bản quyền ít hơn với các công nghệ chạy trên hệ điều hành Android của Google. Đây là hệ điều hành chạy trên phần lớn điện thoại thế giới, trong đó có thiết bị của hãng sản xuất Trung Quốc – ZTE.

Hà Thu(theo Bloomberg)

0913.756.339