Châu Á có thể cạn thanh khoản vì FED

Đến cuối quý II năm nay, giá trị các khoản nợ bằng đồng đôla của nhóm công ty phi ngân hàng ngoài Mỹ là 9.800 tỷ USD. Trong đó, gần 3.300 tỷ USD là cho vay các nền kinh tế mới nổi, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết. Tại một số quốc gia, khối nợ bằng đồng đôla của khu vực phi ngân hàng còn tăng gấp đôi từ quý I/2009 đến quý II/2015.

“Khối nợ đôla cao có thể khiến người đi vay chịu thiệt khi lãi suất USD tăng và đồng tiền này mạnh lên”, CNBC trích báo cáo tháng này của BIS cho biết.

Đồng bạc xanh vốn gần đây đã tăng mạnh so với tiền tệ nhiều nước mới nổi. Động thái nâng lãi suất hôm qua của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khiến giới phân tích dự báo USD sẽ càng tăng mạnh. FED đã nâng lãi suất lên thêm 0,25%, lần đầu tiên từ cuối tháng 6 năm 2006.

chau-a-co-the-can-thanh-khoan-vi-fed

Các tiền tệ châu Á sẽ lao dốc mạnh vì quyết định của FED. Ảnh: Bloomberg

Andrew Tilton – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Goldman Sachs cho biết rất nhiều nền kinh tế châu Á đã tích lũy khối nợ khồng lồ, một phần vì chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia phát triển nhiều năm qua,

“Rất nhiều nền kinh tế châu Á có khối nợ lớn hơn tưởng tượng, nếu so với thu nhập bình quân tại đó. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sau thời kỳ vay nợ ồ ạt, nền kinh tế thường tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan”, Tilton cho biết trong một buổi họp báo tuần trước.

Khối nợ bằng USD được các nền kinh tế mới nổi đặc biệt lo ngại, do nó đang ngày càng trở nên đắt đỏ khi nội tệ đi xuống và USD mạnh lên. “Khi những trái phiếu này đáo hạn và thị trường tín dụng bằng USD bị thắt chặt, các doanh nghiệp sẽ phải quay về tìm vốn trong nước. Nếu thị trường trong nước không đủ, chi phí có thể tăng lên đáng kể. Đó chính là rủi ro”, Tilton nói.

Dù vậy, ông không cho rằng khủng hoảng tài chính châu Á 1998 sẽ lặp lại. Do hiện tại, các công ty vay nợ không thuộc khối tài chính.

“Với các công ty phi tài chính, họ có thể chịu phần nào cú sốc bằng cách chấp nhận lãi thấp hơn hoặc giảm chi phí đầu tư khi thấy rủi ro vỡ nợ”, Tilton nói. Điều này khác với các ngân hàng. Do ngân hàng có thể cho rằng họ vẫn đủ khả năng cho vay các nền kinh tế đang suy yếu, từ đó gây ra hiệu ứng liên hoàn quy mô lớn.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích khác vẫn tỏ ra lo ngại về việc tín dụng khu vực này bị thắt chặt. “Đây chính là gót chân Achilles của châu Á. Họ có rủi ro chịu tác động từ sự mất cân bằng tài chính cao gấp 4 lần các nền kinh tế mới nổi lớn khác ngoài khu vực”, Rob Subbaraman – kinh tế trưởng tại Nomura cho biết. Ông nhận thấy khả năng xảy ra khan hiếm tín dụng trong khu vực, khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và FED bắt đầu nâng lãi.

“Chúng tôi cho rằng thanh khoản thị trường có thể bốc hơi nhanh chóng. Tôi cũng không loại trừ khả năng hệ thống tài chính châu Á đột ngột bị đảo lộn”, Subbaraman kết luận.

Hà Thu

0913.756.339