Chật vật mua vé máy bay giá đắt

Nhận được lệnh của sếp phải ra Hà Nội họp gấp, anh Nguyễn Công, (TP HCM) lập tức lên mạng với hy vọng mua được vé máy bay trong ngày 12/2. Tuy nhiên, theo website hai hãng Vietjet và Jetstar, tất cả các chuyến trong vòng một tuần trước Tết đã hết chỗ. Vietnam Airlines cũng chỉ còn một số vé hạng thương gia.

Anh Công quyết định ra thẳng sân bay trong ngày với hy vọng mua được vé vớt khi ai đó hủy chuyến. Tuy nhiên, một nhân viên check-in tại đây khẳng định các chuyến trong ngày chưa khách nào hủy. Cuối cùng, anh phải bỏ tiền mua vé hạng thương gia giá 5 triệu đồng.

hanh-khach-8309-1423818603.jpg

Dịp Tết, hành khách được khuyến cáo có mặt ở sân bay trước 3 đến 4 tiếng để tránh tình trạng tắc đường hoặc không kịp check-in.

“Hành khách có nhu cầu đi máy bay dịp Tết thường đã lên kế hoạch và mua vé từ cách đây một vài tháng. Do đó, lúc sát Tết mới mua sẽ rất khó khăn, nhất là trên các đường bay có nhiều người về quê ăn Tết”, đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết. Theo hãng này, những đường bay “nóng” nhất trước Tết âm lịch là TP HCM đi Hà Nội và các địa phương khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Huế, Quy Nhơn

Tương tự, đại diện Jetstar Pacific cho hay trong những ngày trước Tết, đường bay từ TP HCM đi Quy Nhơn, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng hầu như kín chỗ 100%. Nếu có chỗ vì khách hủy chuyến, lập tức được lấp đầy vì luôn có một danh sách chờ của những hành khách đang cần về quê mà chưa có chỗ.

Khảo sát trên các trang đặt chỗ online của cả 3 hãng hàng không cho thấy, không dễ mua được một chiếc vé máy bay thời điểm này trên đường bay từ TP HCM đi các tỉnh. Trên website của Vietnam Airlines, vé từ TP HCM đi Hà Nội ngày 15/2 chỉ còn một số ghế hạng thương gia giá 5 triệu đồng. Vé hạng thường từ TP HCM đi Vinh còn với số lượng không nhiều, giá lên 2,67 triệu đồng so với mức ưu đãi đặc biệt 1,15 triệu đồng vào thời kỳ thấp điểm. Còn hai hãng hàng không Vietjet, Jetstar chỉ còn nhiều vé ở các đường bay ngược chiều Tết.

ve-may-bay-9699-1423818603.jpg

Đường bay TP HCM đi Hà Nội của Vietnam Airlines đang đông khách nhất vào hai ngày 15 và 16/2, tức 27 và 28 tháng Chạp âm lịch. Trên các chuyến bay trong hai ngày này chỉ còn một số chỗ hạng thương gia.

Tình trạng cháy vé, thiếu vé dịp sát Tết khiến cò vé máy bay xuất hiện và nhân cơ hội kiếm tiền. Chị Thu Hương, hiện làm việc tại TP HCM cho biết để về quê ăn Tết, chị đã phải bỏ ra gần 6 triệu đồng để mua một chiếc vé hạng phổ thông. Do sau khi không mua được vé khi ngày Tết đã cận kề, chị đã nhờ người bạn làm việc tại sân bay liên hệ giúp. Sau một ngày, chị nhận được vé với giá cao gấp đôi so với giá trị thật.

Đại diện một hãng hàng không cho hay đã vài lần nghe nói về tình trạng cò vé này nhưng chưa nhận được phản ánh nào cụ thể. Vị này giải thích các chuyến bay thường có một tỷ lệ khách “no show” (mua vé nhưng không đến) nhất định, có thể do khách bị tắc đường hoặc bị ốm, bận việc, hủy chuyến. Những chỗ trống này thường được dành để bán vé giờ chót, ưu tiên người đang có việc gấp, người già, người có con nhỏ. “Có thể một số đối tượng đã lợi dụng chính sách này để trục lợi. Tuy nhiên hãng khó mà phát hiện ra những thỏa thuận ngầm đó”, đại diện hãng nói.

Ngoài ra, tình trạng cháy vé sát Tết còn gây ra những tình huống dở khóc dở cười cho nhân viên hãng hàng không, khi liên tục nhận điện thoại nhờ vả mua vé. Một trưởng phòng ở hãng hàng không cho biết những ngày này sợ nhất là nghe điện thoại, vì nhiều khả năng là cuộc gọi nhờ can thiệp để lên được máy bay.

Cũng vì quá nhiều trường hợp nhờ vả, một hãng hàng không vừa ra quy định cấm  can thiệp để mua vé Tết cho người thân, kể cả với lãnh đạo hãng. “Năm ngoái đã có nhiều trường hợp nhờ mua vé, xảy ra tình huống người nhờ vả được lên máy bay ngay, còn người mua vé từ cả tháng trước thì phải đi chuyến sau”, đại diện hãng này cho biết.

jetstarhue-hcm-5904-1423818604.jpg

Vé dành cho các chuyến lệch đầu (ngược chiều với chuyến cao điểm) đang được bán với giá rẻ.

Trong khi những chuyến bay chở khách về quê ăn Tết luôn chật cứng, những chuyến quay ngược lại chứng kiến tình trạng máy bay trống không. Đại diện Vietnam Airlines cho biết theo dự tính của hãng, Tết năm nay sẽ có khoảng 1.000 chuyến ferry, tức là máy bay gần như không có khách. Trước Tết, chuyến ferry chủ yếu rơi vào các đường bay từ Hà Nội đi TP HCM và các chặng ngắn thường phục vụ du lịch. Sau Tết, máy bay trống không là những chuyến từ TP HCM đi các tỉnh, thành phố.

Để giảm thiệt hại từ những chuyến bay không có khách này, các hãng tìm cách bán vé rẻ hoặc siêu rẻ để kích thích nhu cầu của những người đi du lịch dịp Tết. Vietjet cho biết quãng thời gian trước Tết, hãng đã tung ra nhiều vé loại 0 đồng, 199.000 hay 399.000 đồng, nhờ đó những chuyến lệch đầu có thể được lấp đầy với tỷ lệ từ 10 đến 50%. Còn Jetstar đang bán vé giá rẻ trên các đường bay vắng khách, ví dụ  từ Huế đi TP HCM những ngày cận Tết đang có giá từ 199.000 đồng. 

Các hãng hàng không khuyến cáo hành khách đi máy bay dịp Tết cần có mặt ở sân bay trước từ 3 đến 4 tiếng so với giờ khởi hành để tránh chậm trễ. Đại diện Vietjet cho biết giai đoạn này, mỗi ngày có cả trăm khách của hãng bị chậm chuyến vì nhiều lý do như tắc đường, không kịp check-in. “Quanh sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay rất hay xảy ra tình trạng kẹt xe vì nhiều người cùng đổ về quê ăn Tết. Khu vực check-in cũng rất đông, nhiều khi khách phải chờ hàng chục phút mới đến lượt mình”, đại diện hãng này nói.

Ở thời điểm thông thường, khi hành khách bị trễ chuyến có thể được chuyển sang chuyến sau. Tuy nhiên do hầu như chuyến nào cũng kín người, nên không hiếm trường hợp khách trễ chuyến phải chờ đến Mùng một Tết âm lịch mới có chỗ trên máy bay.

Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng khuyến cáo hành khách cần chuẩn bị kỹ hành lý trước khi ra sân bay, tránh tình trạng quá cước và phải mất thêm thời gian soạn lại hành lý, bỏ bớt đồ.

Thanh Bình

0913.756.339