Cách huy động vốn khi sản xuất theo đơn đặt hàng

Cơ sở sản xuất thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời của ông Huỳnh Thiện Liêm (Đồng Tháp) khá nổi tiếng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, ông Liêm có một cửa hàng thiết bị năng lượng mặt trời nên hay đi lắp ráp các tấm pin cho bà con. Trong những chuyến đi, ông thường ghé thăm các khu du lịch sinh thái. Thấy phương tiện đưa đón khách du lịch chủ yếu bằng xuồng thường tốn xăng, gây tiếng ồn, thải ra khí độc làm ô nhiễm môi trường, ông nảy ra ý tưởng dùng ánh sáng mặt trời làm “nhiên liệu”, chế ra chiếc thuyền du lịch chạy bằng pin mặt trời.

Muốn làm sản phẩm này phải am hiểu về năng lượng mặt trời, có kiến thức về cơ khí, tàu thủy. Ông Liêm tìm người làm cùng nhưng ai nấy từ chối bởi thấy ý tưởng xa vời, khó thực hiện, tốn thời gian. Cuối cùng, ông rủ ba người bạn chuyên về cơ khí về làm cùng. Sản phẩm của ông đã được sử dụng thử tại vườn quốc gia Tràm Chim. Sắp tới, đơn vị này sẽ đặt hàng 6 chiếc để tháng 11 đưa vào khai trương tuyến du lịch xanh.

Điều vị giám đốc này băn khoăn nhất là vốn. Chi phí sản xuất một du thuyền mặt trời khá cao khoảng 140 triệu đồng một chiếc, do đó, ông và cộng sự không thể sản xuất số lượng lớn sản phẩm cùng lúc. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao cũng như quay vòng vốn của doanh nghiệp. Do là cơ sở quy mô nhỏ, không nhiều kinh nghiệm kinh doanh, thêm nữa ông Liêm cũng không muốn sử dụng vốn vay ngân hàng để tránh áp lực lãi suất. Ông băn khoăn liệu có thể tối ưu dòng tiền từ hình thức bán hàng theo đơn hay không? Mô hình của ông có thể tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài?

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết trường hợp của anh Liêm nếu đi vay ngân hàng cũng khó bởi yêu cầu tài sản thế chấp khá lớn, sẽ gây áp lực trả nợ cho doanh nghiệp mới thành lập. Tuy nhiên, mô hình sản xuất ghe này vẫn có cách huy động vốn khác là tìm kiếm các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hơn là trong nước bởi họ mạnh dạn rót vốn.

Theo chuyên gia, dù là hình thức đầu tư mạo hiểm, song doanh nghiệp cũng phải có phương án tiêu thụ sản phẩm ghe cho ai, dự báo doanh thu thế nào. Quỹ sẽ đánh giá, cân nhắc tính khả thi sau đó mới quyết định chi tiền. Tuy nhiên, đến thời điểm nào đó, quỹ đầu tư sẽ yêu cầu doanh nghiệp chia sẻ một số cổ phần. Do đó, anh Liêm cần có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn phát triển. “Sản phẩm chạy bằng năng lượng mặt trời rất có triển vọng trong thời gian tới. Do đó, cũng không quá khó để cơ sở này tiếp cận vốn của nhà đầu tư thay vì thế chấp tài sản vay ngân hàng”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, ông Mai Vũ Thảo – Phòng Đầu tư, Ngân hàng TMCP Việt Á cho biết với mô hình hoạt động của công ty của ông Liêm có nhiều cách lựa chọn để huy động được vốn.

Thứ nhất, có thể bán bản thiết kế sản phẩm. Đây là cách “bán lúa non” khi không có tiền- hình thức đang được rất nhiều doanh nghiệp, kể cả các thương hiệu lớn sử dụng phổ biến hiện nay. Doanh nghiệp có thể tìm đến một đối tác có khả năng hiện thực hóa bản thiết kế để bán công nghệ hoặc bán bản quyền. Việc định giá phụ thuộc sự thỏa thuận của cả hai, song cũng cần một đơn vị thẩm định giá để đi đến thống nhất mức chung nhất.

Thứ hai, mạnh dạn sản xuất sản phẩm cụ thể, sau đó chào bán. Chi phí chắc chắn bỏ ra nhiều nhưng lợi nhuận sẽ cao hơn. Điều này cũng giống như bạn đi làm gia công sản phẩm rồi nhận tiền đặt cọc của họ để trang trải cho sản xuất. Thông thường với mỗi sản phẩm thường khách hàng có đặt cọc, sau khi bàn giao tiền anh giao hàng. Như vậy một phần vốn đã được giải quyết.

Thứ ba, nếu có vốn lưu động cơ sở nên đầu tư thành xưởng sản xuất quy mô tương ứng với phần vốn. Đã là xưởng thì phải sản xuất hàng loạt và nhiều sản phẩm cùng một lúc. Thay vì chỉ chú trọng sản xuất mình thuyền, cơ sở có thể tận dụng làm thêm nhiều sản phẩm cơ khí khác mà thị trường có nhu cầu, thậm chí các phụ tùng thiết bị phục vụ cho các phương tiện khác như xe đạp, máy cày…Sau khi quay vòng doanh nghiệp lại có vốn để trang trải cho đơn hàng tiếp theo.

Thành Tâm ghi

0913.756.339