Theo thông tin từ Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê niên vụ 2014-2015 đã thu hoạch xong nhưng giảm trên 20% so với niên vụ trước, do các tỉnh Tây Nguyên thiếu nước nghiêm trọng. Tại tỉnh Đắk Lắk, người dân đang phải tiêu tốn thêm 300.000 đồng mỗi giờ để bơm nước tưới cho cây. Thay vì chỉ tưới 3-4 lần trong năm thì niên vụ này họ đã phải tưới tới 6-7 lần.
Ngoài ảnh hưởng bởi thời tiết lên sản lượng cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh mức lỗ khi tham gia thị trường bán khống. |
Đến niên vụ 2015-2016, thời tiết tiếp tục biến động, gió rét bất thường khiến cây cà phê bị nhiễm “cúm” khi ra hoa, rụng lá hàng loạt. Chỉ trong vòng 3 ngày toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 700 ha cà phê bị chết hoặc có dấu hiệu ngừng sinh trưởng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của hai vụ tiếp theo.
Theo dự báo của VICOFA, nếu thời tiết không tốt trở lại, tỷ lệ diện tích cây cà phê già cỗi vẫn tiếp tục tăng trên 30% thì sản lượng cà phê niên vụ 2015-2016 sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh vấn đề về năng suất sản lượng thì hiện nay người dân cũng như nhà xuất khẩu đang bị thua lỗ khi giá cà phê nhân xuống thấp chỉ 38.600 đồng một kg. Doanh nghiệp Việt đang chịu lỗ khi tham gia thị trường bán hàng trừ lùi (thị trường bán khống). Cà phê trên thị trường bán khống đang ở mức thấp, trong khi đó, giá trên thị trường hàng thực lại cao hơn. Cụ thể, giá cà phê thực trên thị trường Brazil bán với mức giá cộng thêm 300 USD một tấn, Indonesia cộng 150 USD một tấn, ở Việt Nam cộng 60 USD một tấn.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện VICOFA cho biết, hiện số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường bán khống cao hơn thị trường hàng thực nên nguy cơ lỗ là khá cao. Hầu hết các doanh nghiệp đều ký hợp đồng bán hàng ảo, trong khi đó hàng thật để giao vài tháng sau đó mới có nên các đơn vị này thường phải mua giá cao nhưng giá giao hàng lại thấp nên khó tránh khỏi bị lỗ.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, dự kiến lượng cà phê xuất khẩu tháng 4 chỉ đạt 110.000 tấn, tương đương 225 triệu USD. 4 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 465.000 tấn với 968 triệu USD kim ngạch, giảm 41,8% về lượng và giảm 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Khảo sát thị trường châu Âu cho thấy, tại các kho hàng ở hiện rất khan hàng cà phê Robusta từ Việt Nam. Hàng chủ yếu là cà phê Robusta của Brazil gọi là Conilon. Tuy nhiên người dân châu Âu không chuộng Robusta Conilon từ Brazil cho lắm. Giá loại này lại rất cao với mức + 300 CNF, cao hơn nhiều so với cà phê xuất khẩu từ Việt Nam. Các nhà đầu cơ đang thao túng thị trường cà phê bán khống trong khi cà phê hàng thực thiếu và bán theo giá cộng cao. VIFOCA khuyến cáo, các nhà xuất khẩu cần cân nhắc thực tế này và có cách bán hàng phù hợp.
Thi Hà