Bù đắp ngân sách bằng tiền bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước

Theo uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề xuất vấn đề này với Quốc hội vào chiều 20/10, khi trình báo cáo thu – chi ngân sách Nhà nước năm 2015 và dự toán 2016.

Dự kiến thu ngân sách cả năm sẽ đạt hơn 927.000 tỷ, tăng 7,4% so với năm ngoái và tăng 16.000 tỷ so với dự toán đầu năm. Bộ trưởng Dũng cho biết phần tăng thêm này chủ yếu nhờ tăng thu ở địa phương, nếu cân đối lại, ngân sách trung ương trong năm 2015 vẫn hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng.

bu-dap-ngan-sach-bang-tien-ban-co-phan-doanh-nghiep-nha-nuoc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng bên hành lang Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIII. Ảnh: Báo Hải quan

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ nhằm bù đắp bội chi và chi đầu tư hiện không khả thi, 9 tháng mới đạt khoảng 127.000 tỷ đồng, tương đương 51% kế hoạch và thấp so với nhiều năm trước. 

Trước áp lực nêu trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội được sử dụng một phần tiền bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước (khoảng 10.000 tỷ đồng) để bù giảm thu ngân sách trung ương trong năm nay. Ngoài ra, ngân sách năm 2016 cũng được đề xuất bổ sung 30.000 tỷ từ nguồn này.

“Tuy nhiên, đây là các khoản thu một lần nên từ năm 2017, việc xử lý nguồn thu sẽ khó khăn hơn”, ông Dũng lưu ý.

Cùng với đó, cơ quan điều hành đề xuất đa dạng hóa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 2, 3 và 5 năm trở lên, đồng thời phát hành một khối lượng nhất định trái phiếu quốc tế kỳ hạn dài để cơ cấu lại một số khoản vay ngoại và nội tệ để giãn nhu cầu trả nợ, cơ cấu lại nợ công.

Đề xuất của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa được chấp thuận thoái toàn bộ vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường như FPT, Vinamilk hay Bảo hiểm Bảo Minh. Trao đổi với báo chí gần đây, đại diện Bộ Tài chính cũng như Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đều khẳng định không vì ngân sách khó khăn mà phải thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này.

Cho ý kiến thẩm tra về đề xuất sử dụng tiền cổ phần hóa để bù hụt thu của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhất trí, song đề nghị Chính phủ cần làm rõ số còn lại (21.300 tỷ đồng) sẽ được xử lý từ nguồn nào và báo cáo phương án xử lý cụ thể theo quy định của Luật Ngân sách.

Đánh giá chung về thu chi ngân sách năm 2015, cơ quan thẩm tra cho rằng việc thu ước vượt dự toán 16.400 tỷ đồng song số liệu cho thấy việc tăng thu chủ yếu từ Ngân sách địa phương (khoảng 47.700 tỷ đồng), còn Ngân sách Trung ương hụt thu 31.300 tỷ đồng dẫn đến khó khăn trong cân đối. 

Do vậy, cơ quan này yêu cầu Chính phủ cần tính toán các giải pháp để bù hụt thu, đảm bảo cân đối Ngân sách Nhà nước.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra cũng chia sẻ với khó khăn của cơ quan điều hành về việc giá dấu thế giới sụt giảm sâu. Báo cáo này cho rằng, số hụt thu từ do giảm giá dầu là 63.000 tỷ đồng là mức lớn, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương. Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của giá dầu để có đối sách phù hợp nhằm phát triền kinh tế trong nước bù hụt thu, tận dụng việc giảm giá dầu thành cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Báo cáo thẩm tra cũng đánh giá, việc thu nội địa ước vượt dự toán 48.400 tỷ đồng, tăng hơn 7% so dự toán và gần 18% so với 2014 là “khá tích cực”. 

Nguyễn Hà – T. Đức

0913.756.339