Bộ trưởng Tư pháp: ‘Cần trần lãi suất để chống cho vay nặng lãi’

– Quốc hội dự kiến thông qua Bộ luật Dân sự vào cuối kỳ họp này, trong đó có một nội dung được dư luận chú ý là trần lãi suất để chống cho vay nặng lãi. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về 2 phương án được đưa ra lựa chọn: quy định cứng 20% và cách tính 200% lãi suất cơ bản?

– Ban đầu, Chính phủ khi đề xuất chỉ có phương án 2, tức là sử dụng lãi suất cơ bản. Khi được đưa ra Quốc hội thì có thêm phương án quy định cứng 20%. Quy định mức cứng phù hợp trong điều kiện giá trị đồng tiền ổn định. Ví dụ yen Nhật từ sau Thế chiến thứ II đến nay ở quanh mức 100 yen đổi một USD. Với tiền đồng thì hiện nay tương đối ổn, nhưng không loại trừ lạm phát có thể biến động lên 20-25% như cách đây mấy năm. Quy định cứng khi đó sẽ dở.

Tuy vậy, cũng có quan điểm cho rằng đưa ra một mức cố định như vậy sẽ góp phần ổn định giá đồng tiền. Đây cũng là mục tiêu lâu dài mà Đảng và Nhà nước đặt ra. Có điều, cũng cần cân nhắc bởi tỷ giá phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như tình hình xuất nhập khẩu thế giới…

bo-truong-tu-phap-can-tran-lai-suat-de-chong-cho-vay-nang-lai

Bộ trưởng Tư pháp – Hà Hùng Cường cho rằng trần lãi suất là cần thiết để hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.

– Vậy nếu quy định trần lãi suất, tội cho vay nặng lãi sẽ được xác định như thế nào?

– Bộ luật Dân sự là để điều chỉnh quan hệ vay mượn, đưa ra quy tắc xử sự dân sự. Khi vượt quá quy định này mới thành tội cho vay nặng lãi. Khi đó sẽ áp quy định ở Bộ luật Hình sự vào.

Quốc hội hiện chưa quyết định theo phương án nào của Bộ luật Dân sự, nhưng giả sử chốt mức cứng 20% thì trong khuôn khổ 20% là hợp pháp, cao hơn là cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, để bị truy cứu hình sự về tội cho vay nặng lãi thì Bộ luật Hình sự mới quy định phải vượt một tỷ lệ nhất định, chẳng hạn 10 lần mức lãi suất nêu trên thì mới thành tội. Không phải cứ vượt 20% là bị xử lý.

– Phát biểu với báo chí trước đây, Bộ trưởng từng nói: “Trần lãi suất không điều chỉnh giao dịch của các tổ chức tín dụng”. Vậy nếu ngân hàng, công ty tài chính cho vay nặng lãi thì sao?

– Với tổ chức thì khác. Trong cả hai phương án của Bộ luật Dân sự đều có cái “đuôi”: Trừ trường hợp Luật  Các tổ chức tín dụng có quy định khác. Tổ chức tín dụng có bản chất là cho vay theo dự án. Dự án thấy khả thi thì lãi nhẹ, thấy rủi ro thì lãi có thể cao hơn, nhưng vẫn bị khống chế bởi Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng được đặt dưới sự lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước, nên họ có sự kiểm soát từ trên, cũng như kiểm soát lẫn nhau rất tốt.

– Vậy theo Bộ trưởng, cần làm gì để việc chống cho vay nặng lãi hiệu quả?

– Trước hết tôi cho rằng cần có trần lãi suất. Nước nào cũng quy định trần này, nếu không sẽ rất nguy với người nghèo. Ngoài ra, hoạt động điều tra, phát hiện tội phạm cũng cần hiệu quả hơn, khung hình phạt cần nghiêm chứ hiện nay tôi thấy còn xem nhẹ. Thực tế mà báo chí phản ánh cho thấy việc vay mượn bên ngoài hiện nay khá “loạn xạ”, mức lãi suất đưa ra thì khắc nghiệt, khiến nhiều người dân rất khổ.

Trung Đức

0913.756.339