Bỏ ngỏ tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu Sacombank và SouthernBank

Sau thông tin hé lộ của ông Trầm Bê về tỷ lệ hoán đổi một cổ phiếu Phương Nam lấy 0,75 cổ phiếu Ngân hàng Thương Tín trong đại hội cổ đông SouthernBank ngày 20/1, sáng nay nhiều cổ đông Sacombank đã yêu cầu Hội đồng quản trị làm rõ tỷ lệ này và thắc mắc vì sao không đưa vào tờ trình.

Giải đáp vấn đề này, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Sacombank cho rằng, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa Sacombank và SouthernBank vẫn đang trong giai đoạn trình xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và vẫn chưa được chốt chính thức nên chưa thể thông báo cụ thể với cổ đông.

Theo Thông tư 04/2010 quy định, khi muốn mua bán sáp nhập ngân hàng, trước tiên ngân hàng phải xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập (hai ngân hàng SouthernBank và Sacombank đều đã triển khai năm ngoái). Sau đó, ngân hàng xin cổ đông uỷ quyền cho Hội đồng quản trị tiến hành đàm phán và xây dựng chi tiết đề án sáp nhập trong đó có tỷ lệ hoán đổi, tên ngân hàng…).

Khi các bước này hoàn tất và được ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì ngân hàng mới tiến hành họp đại hội cổ đông bất thường hoặc thường niên để xin thông qua lần cuối và kết thúc thương vụ sáp nhập. Như vậy, thương vụ giữa Sacombank và Phương Nam chỉ mới dừng ở giai đoạn trình và chờ Ngân hàng Nhà nước thông qua đề án sáp nhập.

sac-okva-diqg-8732-1429601358.jpg

Câu chuyện sáp nhập Sacombank và SouthernBank vẫn chưa ngã ngũ.

Riêng việc cổ đông lo ngại sáp nhập Phương Nam vào Sacombank sẽ khiến hoạt động của nhà băng xấu đi, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Sacombank thừa nhận, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng, trước mắt Sacombank sẽ có phần “hơi bất lợi” so với cổ đông của Phương Nam.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, ông Trầm Bê cho rằng thương vụ sáp nhập thành công sẽ giúp Sacombank được sở hữu hệ thống chi nhánh hơn 500 điểm giao dịch của Phương Nam cùng hơn 4.000 nhân viên đã được đào tạo, mà nếu không sáp nhập, Sacombank nhiều khi bỏ ra 5.000-10.000 tỷ đồng cũng chưa chắc có được.

Về đề xuất chia cổ tức bằng tiền mặt của cổ đông, ông Trầm Bê cho biết việc này ban quản trị ngân hàng phải xin ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước. Ông cũng đề xuất, cổ đông nếu muốn lấy tiền mặt thì nên chuyển quyền nhận cổ tức. “Nếu cổ đông có nhu cầu bán giá hơn một chấm (hơn 10.000 đồng mỗi cổ phiếu) thì lên ngân hàng gặp, tôi sẽ giới thiệu người mua ngay để lấy tiền mặt”, ông Trầm Bê khẳng định.

Riêng với những ý kiến bức xúc liên quan đến việc thực hiện chia cổ tức quá lâu, lãnh đạo Sacombank cho biết đã làm việc và có giải trình cụ thể với Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có thông tin tích cực từ phía nhà quản lý.

Năm 2014, theo báo cáo hoạt động từ ban điều hành, riêng Sacombank (công ty mẹ) đạt tổng tài sản gần 189.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với 2013; huy động vốn tăng 19,3%; dư nợ tín dụng tăng 18,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.800 tỷ đồng, và nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC thì lợi nhuận trước thuế là hơn 3.400 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,21%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tàn sản (ROA) đạt 1,31%; lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) đạt 1.931 đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9,87%; tỷ lệ nợ xấu 1,18% trên tổng dư nợ.

Về phương án phân phối lợi nhuận, sau khi trích lập các quỹ, Sacombank đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% trên vốn điều lệ (đã loại trừ cổ phiếu quỹ). Tuy nhiên, ban lãnh đạo nhà băng này cho biết, hiện đang làm thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước và việc chia cổ tức chỉ được thực hiện sau khi nhà quản lý chấp thuận.

Về phương án phát hành cổ phiếu thưởng, Sacombank trình cổ đông tiếp tục chấp thuận chủ trương như đã thông qua tại đại hội năm trước, sử dụng 100 triệu cổ phiếu quỹ đã mua vào cuối năm 2011 và một phần thặng dư vốn cổ phần để chia cho cổ đông hiện hữu trong năm 2015 theo tỷ lệ 10% (tổng số lượng cổ phiếu chia là 114,2 triệu cổ phiếu). Về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tổng cộng 20% (năm 2013 và 2014), Sacombank sẽ phát hành hơn 242,7 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 100:20.

Ngân hàng cũng xin ý kiến cổ đông thông qua việc thành lập công ty tài chính, công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn dự kiến 500 tỷ đồng và chấp thuận chủ trương thành lập mới hoặc mua lại công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Sacombank cũng cho biết đã chuyển đổi nợ thành trái phiếu VAMC 4.349 tỷ đồng trong năm 2014 (dư nợ gốc là 4.984 tỷ đồng).

Năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 14% lên trên 214.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 19.900 tỷ, trong đó vốn điều lệ 14.853 tỷ – tăng 19,5% so với năm 2014. Tín dụng dự kiến tăng trưởng 11%, huy động vốn tăng khoảng 14%. Lợi nhuận trước thuế đặt ra là 3.000 tỷ đồng và có thể điều chỉnh tăng giảm 10% tùy theo diễn biến nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến không quá 2,5% và tỷ lệ cổ tức 8 – 10%.

Trước đó, trong đại hội của Ngân hàng Phương Nam ngày 20/4, ông Trầm Bê, Cố vấn cao cấp của Phương Nam kiêm Phó chủ tịch thường trực Sacombank khẳng định việc sáp nhập sẽ thực hiện trong nửa đầu năm nay và tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu dự kiến ở mức 1:0,75, tức một cổ phiếu Phương Nam đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank. Tỷ lệ này đã được trình lên Ngân hàng Nhà nước chờ phê duyệt.

Lệ Chi

0913.756.339