Giữa tháng 11/2014, trang trại Delta (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM), thuộc Tập đoàn Daso, nhập về gần 1.800 con bò Australia để nuôi lấy thịt. Trước đây, trang trại này từng là trại nuôi bò sữa điển hình của TP HCM với 800 con nhưng hiệu quả không cao.
Ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Daso – xác nhận đơn vị đã bỏ hẳn bò sữa để chuyển sang vỗ béo bò thịt. “Bò thịt có 3 giai đoạn phát triển là thời kỳ bú mẹ, thời kỳ chăn thả và thời kỳ vỗ béo trước khi giết thịt. Ở giai đoạn thứ 3, bò được nhốt lại, ăn thức ăn tinh nên không tốn nhiều diện tích. Ngoài ra, do tập quán người tiêu dùng thích ăn thịt ‘nóng’, mới giết mổ nên chúng tôi hy vọng có lợi thế ở giai đoạn này trên thị trường. Hơn nữa, món bít-tết đang trở thành thực đơn quen thuộc cần loại thịt bò mềm, ngon của những con bò đã qua vỗ béo đúng cách trong khi bò nội trước giờ không qua giai đoạn này nên thịt dai, chỉ phù hợp với món xào, kho”, ông Hòa nói.
Nhiều trang trại nuôi bò sữa đã chuyển đổi sang nuôi bò thịt do hiệu quả kinh tế tăng. |
Không chỉ trang trại của Tập đoàn Daso, sắp tới, ở TP HCM có thể có thêm nhiều trại nuôi bò công nghiệp để phục vụ thị trường với nhu cầu lên đến 760 con một ngày (tương đương 30.500 tấn thịt – số liệu của Cục Thống kê TP HCM). Giới chăn nuôi TP HCM gần đây râm ran về việc có “đại gia” đã thuê đất diện tích lớn tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) để xây dựng chuồng trại nuôi đến cả nghìn con từ nguồn bò nhập của các đầu mối nhập khẩu bò Australia ở Long An.
Theo bảng phân tích tài chính của một dự án chăn nuôi bò công nghiệp gửi chào các nhà đầu tư thì hình thức nuôi bò vỗ béo có thể mang đến lợi nhuận 47%/năm. Nguồn lợi từ bò thịt không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư lớn mà còn có sự tham gia của những hộ nuôi nhỏ lẻ, lấy công làm lời, tận dụng đất trống cùng nguồn thức ăn phong phú từ cỏ mọc hoang, phụ phẩm ở các chợ đầu mối…
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, tính đến cuối tháng 11-2014, tổng đàn trâu bò của Thành phố là 149.153 con, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó tăng trưởng tổng đàn chủ yếu thuộc về đàn trâu bò lấy thịt với số lượng 49.553 con, tăng hơn 67% so với cùng kỳ. Sau khi tập trung cho chương trình phát triển bò sữa, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt, đang được lấy ý kiến các quận, huyện.
Theo Cục Chăn nuôi, tính đến cuối tháng 10/2014, Việt Nam đã nhập khẩu 202.941 con trâu bò thịt sống các loại. Riêng về giá thành thì bò Australia chỉ bằng 1một phần hai giá thành chăn nuôi tại Việt Nam. Còn theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, năm qua Việt Nam đã chi khoảng 300 triệu USD để nhập khẩu trâu bò.
Riêng thị trường Australia, với đà này, Việt Nam sẽ nhập hơn 180.000 con, vượt cả con số 150.000 con dự kiến vốn đã gấp hơn 2 lần cả năm 2013. Không chỉ số lượng tăng, giá nhập khẩu bò từ thị trường này đã tăng lên khoảng 3,2 USD một kg trong khi giá của năm 2013 bình quân chỉ 2,4 USD.
Trước tình hình trên, ông Vang cho rằng dù không có lợi thế về đồng cỏ nhưng Việt Nam vẫn có thể phát triển chăn nuôi bò nhờ nguồn thức ăn phong phú từ các phụ phẩm như: rơm, bắp, bã mía… lên đến 70 triệu tấn một năm hiện đang phải đốt bỏ. Bò không cần chăn thả mà sẽ được nuôi bằng thức ăn tinh để tăng hiệu suất chuyển hóa thức ăn, rút ngắn thời gian nuôi và có giá thành phù hợp.
Ngoài đầu tư vào phân khúc vỗ béo bò, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Thực phẩm sạch (thương hiệu Fresfoco – TP HCM), cho biết còn đầu tư trang trại nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên đối với bò thịt. “Trang trại này rộng 25 ha ở tỉnh Quảng Nam và đang nuôi thí điểm 1.000 con, dự kiến sẽ ra thị trường vào Tết năm 2016”, ông Phong tiết lộ.
Giá bò Australia nhập khẩu tăng thời gian qua đã đẩy giá bò thịt bán lẻ trong nước tăng theo khoảng 5%-15%, tùy loại. Nhiều đầu mối cho biết dự kiến Tết này, giá bò thịt sẽ tăng tiếp 10%-15%. Tuy nhiên theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Việt Nam (Vissan) – đối tác của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong dự án 116.000 con bò thịt chăn nuôi tại các trang trại ở Lào và Campuchia, dù chưa thể công bố chi tiết nhưng Tết này nguồn thịt bò này sẽ có mặt trên thị trường và người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi về giá. |
Theo Người Lao Động