Dưới đây là bài viết của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM về con đường tiền tệ huyền thoại đó.
Gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc là những con đường huyền thoại như đường mòn Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển…. Thế nhưng không nhiều người biết còn có con đường quan trọng khác đó là “con đường tiền tệ” với nhiều câu chuyện về hoạt động tài chính ngân hàng trong chiến tranh mà đến nay vẫn chưa được biết đến vì những lý do đặc biệt.
Từ năm 1945 đến 1954 là giai đoạn ngân hàng không khóa, ngành ngân hàng thực hiện các nhiệm vụ của mình mà không có trụ sở hoạt động. Tất cả tiền bạc đều gửi nhân dân giữ hộ, khi cần mới lấy lại, không bao giờ thiếu hụt một xu, một cắc; và khi thiếu tiền thì viết giấy vay của dân, hẹn kháng chiến thành công sẽ trả… Những đồng tiền Cụ Hồ vẫn như những dòng máu hồng chảy vào khắp mọi vùng tự do cũng như vùng địch tạm chiếm để giúp người dân tăng gia sản xuất, góp nguồn lực tài chính phục vụ cách mạng.
Những thùng sắt cỡ lớn B.29 dùng để vận chuyển tiền vào niềm Nam. Ảnh tư liệu. |
Giai đoạn 1954 -1975, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, sản xuất và phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường niền Nam. Cũng từ đó một đường dây bí mật, một con đường huyền thoại đã được hình thành.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam mang bí số B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh – Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban tài chính đặc biệt với các phiên hiệu: B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để vận chuyển tiền cho chiến trường miền Nam. Số tiền đó gồm nhiều loại đôla Mỹ, tiền Sài Gòn, tiền baht Thái và đặc biệt là tiền riel của Campuchia.
Cách thức vận chuyển tiền mặt (AM) lúc đó khá thô sơ như bỏ vào bọc nilon hoặc đóng vào các thùng sắt và nguỵ trang vào các xe chở hàng.
Đoàn xe vận chuyển tiền hàng được ngụy trang để chi viện cho miền Nam. |
Những năm 1964-1965 chi phí cho miền Nam tăng lên rất nhiều, phương thức AM càng thêm khó khăn, tốn kém, nguy hiểm, kể cả hy sinh xương máu. Thực tế đã xảy ra một số bom ném trúng xe chở hàng, trong đó có các thùng đựng tiền. Vỏ thùng đựng không bị cháy, nhưng sức nóng của lửa đã làm phân hủy số tiền bên trong. Các cán bộ chiến sĩ ngân hàng đã quyết định chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM).
Phương thức này sử dụng chính hệ thống ngân hàng của thế giới và của chế độ Sài Gòn cũ để chuyển tiền cho miền Nam, gọi là phương thức chuyển khoản hai chiều: nhận và trả. Để thực hiện FM phải có một hệ thống tổ chức rất tinh vi. Tại Hà Nội, bộ phận B.29 thuộc Vietcombank dùng các mật mã, điện đài để liên lạc với miền Nam và liên lạc với các ngân hàng trên thế giới nhận và gửi các lệnh chi tiền, chuyển tiền.
Ở trong Nam, một bộ phận có bí danh là N.2683 phụ trách. Cơ sở này trực thuộc Trung ương Cục, gọi là Ban Công tác đặc biệt. Đây là đối tác đặc biệt của B.29. Đầu mối và cũng là cơ sở của N.2683 là những chủ kinh doanh lớn có khả năng chi tiền mặt, rồi theo thông báo của N.2683, B.29 lại chi trả cho họ bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài (các chủ kinh doanh này đều có tài khoản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn). Phương thức chuyển khoản FM này giúp cho việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào Nam đã rút từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, để thắng một đối phương không những mạnh về quân sự mà còn rất thành thạo về tài chính – tiền tệ, thì AM và FM là ký hiệu của cả một guồng máy rất tinh vi, liên kết giữa hậu phương với tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế. Trong đó vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối cổ điển của ngân hàng, vừa kết hợp với những kỹ thuật quân sự, tình báo.
Bên cạnh đó, còn có một “đường dây” bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ của bạn bè quốc tế. Sau 10 năm tính đến tháng 4/1975, lượng tiền chi viện chuyển cho chiến trường miền Nam đạt khoảng một tỷ USD, hàng tỷ tiền Sài Gòn và hàng trăm triệu tiền Campuchia, Kíp Lào, Bath Thái Lan…
Theo đánh giá của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ ngành ngân hàng rất âm thầm, lặng lẽ bởi mọi thứ luôn nằm trong tình trạng tuyệt đối bí mật, thế nhưng lại đóng góp rất quan trọng.
Cũng chính bởi lẽ đó, Đảng và Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các đơn vị B29, N2683 và C32. Để thực hiện nhiệm vụ này, không những chỉ có tấm lòng và của cải của các nước trên thế giới, của các nhà hảo tâm, mà còn cả tài năng, ý chí và lòng trung thành tuyệt đối của các chiến sĩ – cán bộ ngành ngân hàng.
Đêm giao lưu nghệ thuật “Huyền thoại con đường tiền tệ” sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, HTV9 và một số Đài truyền hình địa phương trong khu vực vào 20h05 ngày 17/4 từ Hội trường Thống nhất, TP HCM. Tham dự đêm giao lưu này có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Ngân hàng, UBND TP HCM và đặc biệt có sự tham dự của rất nhiều nhân chứng sống lịch sử đã góp phần làm nên huyền thoại trên “Con đường tiền tệ”. Chương trình sẽ đem đến khán giả những câu chuyện bí mật và xúc động gắn với con đường huyền thoại lần đầu được công bố. Chương trình do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND TP HCM tổ chức, Đài Truyền hình thành phố cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm chào mừng 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), và 64 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951-6/5/2015). |
Nguyễn Hoàng Minh