Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS

Bộ Tài chính và CPA Australia đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về triển khai IFRS”. Diễn giả của hội thảo – ông Ram Subramanian, cố vấn chính sách về báo cáo và kiểm toán, CPA Australia đã trả lời phỏng vấn về các vấn đề liên quan đến IFRS, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam.

polyad

Ông Ram Subramanian, cố vấn chính sách về báo cáo và kiểm toán, CPA Australia.

– Ông nghĩ sao về việc cần phải có một sự thống nhất về khuôn khổ báo cáo tài chính trên toàn cầu ?

– Điều này luôn cần thiết. Sự tăng trưởng không ngừng của thị trường vốn toàn cầu, cùng với sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia và những tiến bộ trong công nghệ thông tin đã thúc đẩy dòng vốn và nguồn lực quan trọng giữa các quốc gia. Báo cáo tài chính có thể được xem là nguồn thông tin chủ đạo cho các nhà đầu tư trên thị trường vốn khi cần lựa chọn đầu tư. Khung chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được xây dựng với mục tiêu ban đầu nhằm đảm bảo các báo cáo dựa trên IFRS sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin tài chính có tính thống nhất và so sánh, giúp hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư. Nhiều quốc gia trên thế giới đề ra yêu cầu về tính thống nhất và so sánh đối với các báo cáo tài chính do các công ty soạn trong phạm vi thẩm quyền của họ và đã thông qua khuôn khổ IFRS nhằm đạt được những mục tiêu này.

– Theo ông, khung chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã được công nhận như thế nào ở các nước láng giềng châu Á khác của Việt Nam?

– Trong lần đánh giá cuối cùng, 114 quốc gia trên thế giới đã lựa chọn IFRS cho báo cáo tài chính của các công ty hoạt động trong phạm vi quyền hạn của họ. Tại châu Á, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Campuchia và Trung Quốc đã và đang áp dụng gần như toàn bộ IFRS vào các khuôn khổ báo cáo tài chính. Các quốc gia khác như Indonesia, Ấn Độ và Nhật Bản đã cam kết sẽ chuyển sang áp dụng IFRS trong một tương lai gần.

– Ông đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức cho Việt Nam khi quyết định áp dụng IFRS?

– Thay đổi không bao giờ là dễ dàng, nhưng thay đổi này là điều quan trọng với một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Việt Nam. Việt Nam cần phải có dòng vốn đổ vào thị trường tài chính để có thể duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Báo cáo tài chính dựa trên IFRS của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cung cấp thông tin nhất quán, chất lượng và có tính so sánh cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việc áp dụng IFRS cũng sẽ cho thấy khung pháp lý về doanh nghiệp của Việt Nam đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất trên các diễn đàn kinh tế toàn cầu.

Cũng như bất kỳ hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển, việc triển khai IFRS tại Việt Nam cần có kinh phí. Khung pháp lý đối với báo cáo tài chính sẽ phải được sửa đổi để thích ứng với IFRS. Việc cần làm là đào tạo và hướng dẫn về IFRS cho cả cán bộ lập báo cáo tài chính và kiểm toán viên liên quan.

– CPA đã hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc triển khai khung báo cáo tài chính dựa trên IFRS ?

– Là một trong những hội kế toán viên công chứng lớn thế giới, CPA Australia luôn muốn được hỗ trợ ngành kế toán Việt Nam chuyển đổi sang IFRS. Chương trình CPA dành cho những người có mong muốn trở thành kế toán viên công chứng (CPA) bao gồm các môn học về báo cáo tài chính với trọng tâm hướng tới IFRS. Những hỗ trợ về phát triển chuyên môn liên tục của CPA Australia dành cho hội viên cũng có nhiều chương trình đào tạo dựa trên nền tảng IFRS.

CPA Australia đóng vai trò quan trọng trong việc vận động và xây dựng chính sách cho ngành nghề kế toán. Là một phần trong nhiệm vụ này, CPA Australia đang tham gia tích cực vào việc xây dựng IFRS thông qua các hoạt động hợp tác thường xuyên với các nhà làm luật trong nước và quốc tế.

Chuyến thăm của tôi đến Việt Nam là một phần trong cam kết của CPA Australia hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang IFRS, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn về báo cáo tài chính và IFRS. CPA Australia và Bộ Tài chính có quan hệ lâu bền và hiệu quả, tạo điều kiện cho việc trao đổi và hợp tác giữa hai tổ chức.

(Nguồn: CPA Australia)

0913.756.339