Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn là động lực cho phát triển trong khu vực và toàn cầu, thông qua nhu cầu hàng hóa cùng các sản phẩm xuất khẩu khác. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra. Và việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc được các chuyên gia đánh giá đang kéo theo các nền kinh tế khác trong khu vực.
Tại Đông Nam A, Singapore sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. GDP Trung Quốc cứ chậm lại 1%, tăng trưởng của Singapore cũng sẽ giảm 1,4%, theo ước tính của ANZ. Trung Quốc hiện là điểm đến xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhận gần 15% hàng xuất khẩu trên toàn cầu.
Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ chịu ít tác động hơn, Glenn Maguire – nhà kinh tế học tại ANZ khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết trong một báo cáo tuần trước. Dựa trên các số liệu trước, ngân hàng này nhận định: “Với việc xuất khẩu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế so với các nước láng giềng, Singapore tự nhiên có độ nhạy cảm cao nhất. Để kích thích kinh tế, họ cần duy trì chất lượng lao động, thu hút công nghệ cao và tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng lớn”.
Việt Nam chịu tác động thấp nhất trong khu vực trước tình hình tại Trung Quốc. |
Ngân hàng Thế giới tuần trước dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,7% năm nay, giảm so với ước đoán 6,9% hồi năm ngoái. Mối lo tăng trưởng chậm đã lan ra thị trường tài chính tuần trước, khi ngân hàng trung ương phải hạ giá nội tệ xuống thấp nhất từ năm 2011 và thị trường chứng khoán phải ngừng vì giảm sâu.
Charlene Chu tại hãng nghiên cứu Autonomous Research được coi là một trong những nhà phân tích Trung Quốc tốt nhất thế giới. Bà cho rằng với tình hình hiện tại – nội tệ mất giá, chứng khoán biến động mạnh và lợi nhuận doanh nghiệp co lại, Trung Quốc phải cần tới một số tiền rất lớn để cứu nền kinh tế.
“Số tiền này có thể vào khoảng 37.500 tỷ NDT tín dụng mới năm 2016 thì mới đạt hiệu quả tương đương năm 2009”, bà cho biết trên Business Insider. Con số này tương đương 5.700 tỷ USD.
Đây là khoản tiền khổng lồ với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng những biện pháp kích thích họ áp dụng trong 1,5 năm qua vẫn chưa thực sự phát huy tác dụng.
“Các chính sách tiền tệ khác một là đã đến giai đoạn bị vắt kiệt, hai là hiệu quả rất hạn chế trong việc giải quyết rủi ro giảm phát Trung Quốc đang phải đối mặt. Giảm lãi suất có thể giúp xoa dịu gánh nặng nợ nần, nhưng không thể giải quyết dứt điểm. Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng chỉ có thể bù đắp lượng vốn bị rút ra, và giúp các tổ chức tài chính có thêm thanh khoản”, bà kết luận.
Hà Thu