Tại Hàn Quốc, kim chi là biểu tượng ẩm thực và gần như không vắng mặt trong các bữa ăn của người dân. Chính phủ Hàn Quốc cũng rất coi trọng nguyên liệu làm nên món ăn này và luôn nhạy cảm với các sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài. Do đó, cũng dễ hiểu khi thuế suất nhập khẩu tỏi bị đánh rất cao, có thể lên tới 360%.
Ngay cả trong giai đoạn hội nhập, Hàn Quốc vẫn rất thận trọng với các nhà xuất tỏi và Việt Nam không là ngoại lệ. Là điều phối viên tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), ông Phạm Khắc Tuyên – Trưởng phòng Đông Bắc Á (Vụ thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương) vẫn còn ấn tượng với những ngày đàm phán căng thẳng.
Chia sẻ tại hội thảo về tác động của VKFTA ngày 21/5, ông Tuyên cho hay những phiên đàm phán về ôtô, sắt thép, điện tử, dệt may đa số trơn tru, nhưng riêng với tỏi phải kéo dài 3-4 ngày, mỗi ngày làm việc hơn 20 tiếng, thậm chí các lãnh đạo của Hàn Quốc phải thực hiện các cuộc điện đàm ngay trong đêm chỉ để thông qua việc có giảm thuế với tỏi hay không. Kết quả, nước bạn đã chấp thuận giảm thuế nhập khẩu tỏi với Việt Nam trong lộ trình 10 năm.
Đàm phán về tỏi giữa Việt Nam và Hàn Quốc kéo dài 3-4 ngày, mỗi ngày làm việc hơn 20 tiếng. |
“Việc Hàn Quốc mở cửa thị trường với sản phẩm nhạy cảm tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan”, Trung tâm thông tin WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Ngoài tỏi, gạo cũng là mặt hàng Chính phủ nước này liệt vào danh sách “không gì đánh đổi được”. Theo ông Tuyên, gạo Hàn Quốc là hạt tròn, trong khi gạo Việt Nam là hạt dài, cộng với nhiều lý do nhạy cảm, Hàn Quốc kiên quyết không đưa gạo vào đàm phán, bất chấp ta có thể “đánh đổi” nhiều thứ.
Sự bảo hộ chặt chẽ của nước bạn tạo nên sự thiệt thòi cho Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy dù là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới nhưng riêng thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tiếp cận được với kim ngạch bỏ trống.
“Trong đàm phán họ đánh đổi nhiều thứ nhưng riêng nông nghiệp thì bảo hộ vô cùng”, đại diện Bộ Công Thương nói. Không chỉ vậy, ngay từ nhỏ, người Hàn Quốc đã được giáo dục sản phẩm trong nước là số một nên cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường là không dễ.
Qua câu chuyện bảo hộ nông sản của Hàn Quốc, chuyên gia cho rằng đây cũng là bài học cho Việt Nam khi mà phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả đang là chủ đề nóng. Dưa hấu, hành tím, vải thiều… luôn rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu mỗi khi đến mùa. Gần đây, Việt Nam đã tính tới chiến lược “nội tiêu”, chẳng hạn như câu chuyện giúp nông dân Quảng Ngãi tiêu thụ dưa hấu năm 2015 hay đưa vải thiều “Nam tiến” của năm 2014. Trong những năm tới, chiến lược này cần tiếp tục thực hiện và nhân rộng.
“Hàng hóa Việt Nam phải tự bảo vệ mình trên sân nhà. Tôi đã từng đến hội chợ của Thái Lan, chỉ có hàng hóa nước họ bày bán ở đó”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.
Ông Hong Sun – Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khuyến nghị chỉ có sự chuẩn bị chu đáo mới có thể đưa hàng nông – lâm – thủy sản vào thị trường nước này. “Doanh nghiệp Việt Nam thường không có kinh nghiệm nên cần hợp tác với những doanh nghiệp quen thuộc đang hoạt động trong lĩnh vực nông sản như Miwon, Orion, bởi thủ tục xuất khẩu sang Hàn Quốc rất phức tạp”, ông cho biết
Vị này cũng cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc về các chợ đầu mối lớn để tập trung hàng nông sản. “Việt Nam chưa có một chợ đầu mối đẳng cấp, trong khi Hàn Quốc có những chợ rất lớn. Vấn đề của Việt Nam là làm sao phải tập trung được những sản phẩm vào một trung tâm phân phối quy mô”, ông Sun phát biểu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO, chợ đầu mối nông sản sẽ là một phương pháp giúp doanh nghiệp, nông dân tiết kiệm nhiều chi phí và ổn định đầu ra. Tại đây, họ sẽ có đầy đủ thông tin về thủ tục xuất khẩu, thuế, không phải đối mặt với việc mỗi người phải tự đi tìm đường của mình.
Sau khi VKFTA có hiệu lực, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu cho Việt Nam, chiếm 95,4% số dòng thuế, trong đó có nhiều nhóm hàng nông, lâm thủy sản và công nghiệp như dệt may, đồ gỗ. Ngược lại, Việt Nam cũng cắt giảm thuế quan với 89,2% số dòng thuế, chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con… Hai nước đặt ra mục tiêu sau khi ký kết FTA là đến 2020 kim ngạch thương mại song phương đạt 70 tỷ USD, tức tăng trưởng 20% mỗi năm.
Tuy nhiên, phía Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng nghiên cứu và điều tra thị trường để hiểu tập quán kinh doanh và người tiêu dùng, lựa chọn đối tác tin cậy và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác…
Phương Linh