ACV muốn rút ngắn quy trình làm sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải một số giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình triển khai dự án sân bay Long Thành, đảm bảo tiến độ khởi công vào năm 2019.

long-thanh-0-2386-1433170472-9-5874-1152

Mô phỏng sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Đơn vị này kiến nghị Bộ Giao thông chỉ định nhà thầu tư vấn lập báo cáo khả thi (FS) sẽ kiêm luôn tư vấn thiết kế cho toàn bộ dự án về sau. ACV cũng xin không tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga và đài kiểm soát không lưu mà đưa nội dung này thành một tiêu chí lựa chọn nhà thầu thực hiện FS. 

Lãnh đạo ACV cho rằng điều này không chỉ giúp rút ngắn tiến độ trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế nhằm kịp thời khởi công mà còn giúp đồng bộ trong công tác triển khai các ý tưởng thiết kế về sau. Thời gian biểu dự kiến đối với dự án, theo đó được chủ đầu tư vạch ra như sau:

Thời gianHạng mục công việc
Tháng 8/2015 ACV hoàn thiện đề cương báo cáo khả thi (FS)
Tháng 10/2015 Đấu thầu chọn đơn vị tư vấn FS
Tháng 4/2016 Công bố kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn FS
Tháng 7/2017 Hoàn thiện FS, trình các cấp phê duyệt
Năm 2018 Hoàn thành tổng dự toán, tiến hành thu xếp vốn
Năm 2019 Lựa chọn đơn vị thi công, khởi công giai đoạn I
Năm 2023 Hoàn thành giai đoạn I với một đường cất hạ cánh và nhà ga

Về các chủ thể đầu tư, ACV kiến nghị Bộ chủ quản giao cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đảm nhận hạng mục đài kiểm soát không lưu. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm đối với việc giải phóng mặt bằng.

Tổng công ty Cảng cũng đã tạm chia các phần việc còn lại thành 5 nhóm với các hình thức huy động vốn khác nhau. Trong đó nhà khách VIP, trung tâm y tế, khí tượng, cứu hỏa, khẩn nguy sẽ do ACV làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn tự có.

Các hạng mục không có khả năng sinh lời như hầm kỹ thuật, đường trục, san lấp mặt bằng, đài chỉ huy và tòa nhà khai thác sẽ được đầu tư bằng vốn ODA và ngân sách. Nhóm công trình dùng vốn vay ưu đãi hoặc hợp tác công tư (PPP) bao gồm ga hành khách và nhà đậu xe.

Trong khi đó, ga hàng hóa, thành phố sân bay, khu kỹ thuật hàng không, tra nạp nhiên liệu, cung cấp suất ăn… sẽ do ACV cùng các doanh nghiệp bên ngoài tham gia đầu tư.

Trước đó, theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6, Sân bay Long Thành được coi là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). 

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.

Chí Hiếu

0913.756.339