Dưới đây là những chia sẻ của Chủ tịch Công ty gốm sứ Minh Long, ông Lý Ngọc Minh trong chương trình “Những bài học thực tế từ doanh nghiệp gia đình thời hội nhập”, vừa diễn ra tại TP HCM.
– Ông là một người khá thành công trên thương trường. Vậy ông có thể chia sẻ một vài bí quyết?
– Quan điểm sống của tôi trước giờ là làm việc gì cũng vậy, chúng ta không nên quên câu ông bà xưa từng nói: “tận nhân lực, tri thiên mệnh”, tức là hãy cố gắng làm hết sức mình trước khi nghĩ đến mệnh trời.
Vì mỗi con người sinh ra, không ai biết được mình sẽ sinh vào gia đình nào, không biết mình là trai hay gái và càng không biết mình thông minh hay không…..Tất cả những điều này là do số mệnh chứ bản thân không thể nào can thiệp và làm khác được. Do vậy, khi làm việc gì cứ cố gắng hết sức lực của mình, còn sau đó có thành công hay không, một phần còn do “hay không bằng hên”.
Chủ tịch Minh Long, Lý Ngọc Minh cho rằng, để thành công: “hay không bằng hên”. |
– Bốn người con trong gia đình ông thì mỗi người đều đi theo các con đường khác nhau và khá thành đạt. Vậy ông đã hay trong cách dạy con hay là do hên?
– Ai cũng mong con mình tốt, ngoan nhưng không dễ. Vì nếu ai cũng dạy được con mình thì thế giới này sẽ không có người hư, người xấu. Do đó, tôi quan niệm rằng quan trọng nhất là mình hãy làm gương tốt tất cả mọi thứ cho con. Khi đó nó sẽ làm theo được việc gì thì làm, chứ không nên bắt con phải làm thế này, hay thế khác, tức không dạy nhưng vẫn tự nhiên thành.
Khi sinh con ra, mỗi đứa một tính và bản thân là cha mẹ sẽ biết được một phần nào về tính cách cũng như tố chất của từng người con. Từ đó, mình sẽ sắp xếp và hướng theo tố chất đó của con để chúng đi đúng hướng.
Tôi có 4 người con, đứa đầu có tố chất quản trị khá tốt, còn đứa thứ hai có năng khiếu về lý, hoá; cô con gái thứ ba có khả năng nắm bắt về mỹ thuật, nghệ thuật và người con út có khả năng đánh giá, nhìn nhận sự việc cũng như cách ứng xử trong các mối quan hệ… Dựa vào những tố chất riêng của con, tôi sẽ hướng chúng vào những công việc phù hợp để có điều kiện thể hiện hết khả năng của mình. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc gì cũng vậy, để thành công còn do may mắn, tức: “hay không bằng hên”.
– Ông đã nhiều tuổi, trong khi con trai đã trưởng thành có thể kế nghiệp cha. Vậy tại sao ông không nhường công việc điều hành lại cho con để về an dưỡng?
– Thực chất tôi đã chuyển giao từng phần công việc cho con trai rồi chứ không phải “ôm đồm” hết. Và tôi nghĩ rằng cần phải có lộ trình chứ không thể chuyển giao ngay một lúc.
– Là một gia đình thành đạt, ông đưa ra tiêu chí gì để lựa chọn người kết hôn cho các con?
– Tôi là một người rất thoáng trong việc dựng vợ, gả chồng cho con. Chọn ai, cưới người nào là do các con quyết định vì đây là sự riêng tư và quyền tự do cơ bản của chúng.
– Vậy có bao giờ ông hình thành quan niệm phân biệt con dâu, con rể trong việc hoạch định người vào trong ban quản trị công ty?
– Đây được xem là một vấn đề nhạy cảm, trước đây có một số doanh nghiệp gia đình ở vài nước họ không cho con dâu hoặc rể vào trong hội đồng quản trị. Tuy nhiên, ngày nay đã cởi mở nhiều hơn về vấn đề này.
Quan điểm của tôi cũng vậy, cái quan trọng là tố chất (nghề nghiệp lẫn đạo đức) của người con dâu hay con rể đó như thế nào, nếu chúng tốt và có năng lực thì hoàn toàn xứng đáng được đưa vào ban quản trị công ty. Vì bản thân nhiều công ty gia đình, nếu con cái không gánh vác được công việc, họ còn đem người ngoài vào làm, vậy huống chi mình lại đi phân biệt con dâu, rể.
Lệ Chi