Giá dầu thấp kỷ lục đã làm dấy lên làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) của các hãng dầu mỏ. Sáng nay, Royal Dutch Shell đã đề nghị mua BG Group với giá 47 tỷ bảng (69,6 tỷ USD), bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. BG Group sở hữu nhiều giếng dầu tại bờ biển Brazil và lượng khí đốt dồi dào tại Australia. Nếu hoàn tất, dự trữ dầu mỏ – khí đốt của Shell sẽ tăng thêm 25% và sản xuất sẽ tăng 20%.
Với giá dầu dưới 60 USD một thùng, Shell không phải cái tên duy nhất có tham vọng tăng quy mô. Hãng dịch vụ dầu mỏ – Halliburton (Mỹ) gần đây đã đề nghị chi 34,6 tỷ USD cho Baker Hughes (Mỹ). Repsol (Tây Ban Nha) năm ngoái cũng bỏ ra hơn 8 tỷ USD thâu tóm một công ty Canada. Nhiều thương vụ nhỏ hơn trong ngành cũng đã được công bố.
Một xe chở xăng của Shell tại trạm xăng ở Moscow (Nga). Ảnh: Bloomberg |
Khi giá năng lượng cao, các hãng dầu mỏ sẽ hài lòng với việc tiếp tục khoan dầu. Nhưng khi giá giảm, họ thường lâm vào tình trạng lợi nhuận thấp do chi phí cao. Và các công ty nhỏ sẽ trở thành mục tiêu thâu tóm hấp dẫn.
Số thương vụ M&A tăng vọt đang gợi nhớ đến thời hoàng kim của hoạt động sáp nhập ngành năng lượng. Cuối thập niên 90, giá dầu giảm rất mạnh, tạo ra nhiều cuộc sáp nhập lớn, như BP và Amoco, Chevron và Texaco và đình đám nhất là Exxon và Mobil.
Nhưng thương vụ trên có quy mô thực sự khổng lồ, tạo ra những “siêu cường” trong lĩnh vực năng lượng. Các hãng này đã tận dụng lợi thế về quy mô để càng có lợi nhuận lớn hơn.
Nếu giá dầu tiếp tục đi xuống và ổn định ở mức đó, nhiều hãng nữa có thể sẽ tham gia làn sóng M&A. Exon Mobil cũng đã phát tín hiệu về khả năng này: “Mục tiêu thực sự là tạo ra giá trị, và chúng tôi chỉ theo đuổi các thương vụ có giá trị chiến lược cao nhất”, Jeff Woodbury – Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ Cổ đông tại Exxon Mobil cho biết hồi tháng 2.
Hà Thu (theo CNN)