CNBC đặt dấu hỏi về chứng khoán Việt Nam

“Không thể phủ nhận Việt Nam có cấu trúc dân số khá mạnh. Việc này đã giúp họ có lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công và nhu cầu trong nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng ổn định cũng khiến quốc gia này trở nên hấp dẫn trong vai trò trung tâm sản xuất, bà Trinh Nguyen – chuyên gia kinh tế tại HSBC cho biết trong một thông cáo tuần này.

Tuy nhiên, điều mà nhà đầu tư ngoại cảm thấy tốt với Việt Nam dường như lại không giúp ích được nhà đầu tư trong nước. “Các doanh nghiệp nội không thành công trong việc tận dụng nguồn lao động giá rẻ”, chuyên gia này nhận định. Xuất khẩu Việt Nam đã giảm 2 quý liên tiếp, dù các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thặng dư thương mại tăng mạnh.

chung-khoan-0-2009-1428053654.jpg

Chứng khoán Việt Nam gần như không tăng so với đầu năm. Ảnh: Bloomberg

Khoảng 60% dân số Việt Nam hiện trong độ tuổi lao động (15-54) và 6% trên 65%. Độ tuổi trung bình cả nước là 29, thấp hơn khá nhiều so với Nhật Bản (46) và Trung Quốc (37).

Tuy nhiên, từ đầu năm, VN-Index chỉ tăng 0,5%, giảm 9% so với đỉnh đạt được tháng trước. Cổ phiếu quỹ Market Vectors Vietnam niêm yết tại Mỹ còn tệ hơn khi giảm 13%.

Ngành du lịch cũng không có nhiều cải thiện, do nội tệ mạnh và Thái Lan dần thu hút khách trở lại, Nguyen cho biết. Theo số liệu quý I, số lượt du khách tới đây đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số thậm chí đặt câu hỏi liệu Việt Nam có duy trì được lâu dài lợi thế về dân số. “Lực đẩy chính cho tăng trưởng dân số đang thay đổi. Việt Nam từng có tỷ lệ sinh cao, nhưng giờ, tuổi thọ ở đây đang tăng”, một báo cáo của Văn phòng Đối ngoại và Thịnh vượng chung Anh đầu năm nay cho biết. Tỷ lệ sinh tại đây đang giảm và trong 20 năm tới, tỷ lệ người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi.

Khả năng cạnh tranh lương của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn. Năm 2013, lương trung bình tại đây là 197 USD một tháng. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 391 USD, Trung Quốc là 613 USD và Malaysia 651 USD, theo số liệu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thêm vào đó, nước này cũng đang thiếu hút lao động tay nghề cao khi đào tạo nghề không đáp ứng được tiêu chuẩn của doanh nghiệp, Nguyen cho biết.

Dù vậy, một số người cho rằng thị trường chứng khoán đi xuống chỉ là một sự trục trặc. Một trong những lý do chính là cổ phiếu PetroVietnam Gas (vốn chiếm 12% VN-Index) giảm mạnh do giá dầu lao dốc và công ty này không mua lại cổ phiếu, Kevin Snowball – CEO Quỹ PXP Vietnam Asset Management cho biết.

“Kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng tốt nhất từ trước đến nay. Thị trường chứng khoán vì yếu đi gần đây mà đang rất rẻ”, Snowball cho biết. Các cổ phiếu trong danh mục của họ đang giao dịch với giá trung bình gấp 11,6 lợi nhuận năm nay và 10,6 lợi nhuận dự báo năm tới.

Snowball cho rằng tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 49% lên 60% sẽ là chất xúc tác cho tình hình hiện nay. Ông kỳ vọng việc này sẽ được công bố trước tháng 8.

Quý trước, GDP Việt Nam tăng 6% so với năm ngoái. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tốc độ này năm nay là 6,1%.

Hà Thu (theo CNBC)

0913.756.339