Hôm qua, dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính lần đầu tiên được công bố, trong đó nêu rõ cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là hình thức cấp tín dụng đối với khách hàng cá nhân là người tiêu dùng thông qua cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng.
Để đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi của các bên, ban soạn thảo đưa ra các điều kiện chặt chẽ về bên cho vay cũng như khách hàng đi vay, đặc biệt khả năng trả nợ của khách hàng. Dự thảo còn quy định rõ địa điểm cho vay tiêu dùng (được phép thực hiện tại các điểm bán hàng, giới thiệu dịch vụ của bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng) và khống chế thời hạn cho vay tối đa 5 năm. Các vấn đề phát sinh tranh chấp lâu nay giữa khách hàng và công ty tài chính như thông tin cung cấp không rõ ràng, lãi suất quá cao hay trả nợ trước hạn, cũng được quy định tại dự thảo thông tư.
Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo thông tư này là ngân hàng thương mại phải thành lập công ty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng theo 3 hình thức nói trên (cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng). Ngân hàng nếu đã ký các hợp đồng tín dụng tiêu dùng trước ngày thông tư có hiệu lực sẽ tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng, và không được ký thêm hợp đồng mới.
Ngân hàng muốn cho vay trả góp phải lập công ty tài chính. |
Theo lý giải của ban soạn thảo, quy định này góp phần tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng phi tiêu chuẩn. Thực tế hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại và công ty tài chính hiện nay đan xen lẫn nhau. Hai tổ chức này đều cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay trả góp để mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình, cho vay tiền mặt phục vụ đời sống… đối với đối tượng khách hàng phi chuẩn. Cách thức tiếp cận qua điểm giới thiệu dịch vụ tương tự mô hình công ty tài chính tiềm ẩn rủi ro lớn do ngân hàng nhận tiền gửi của dân, hoạt động đa năng, trong khi đó ngân hàng thương mại chưa có hệ thống quản trị rủi ro chuyên nghiệp phù hợp với phân khúc khách hàng đại chúng của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng đối với phân khúc khách hàng phi chuẩn, trong thời gian qua một số ngân hàng thương mại đã và đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu dùng.
Chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Nhà TP HCM đã mua lại Công ty tài chính Việt – SG, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản và chuyển đổi hoạt động của các công ty tài chính này tập trung vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Ban soạn thảo cho rằng, việc cho phép tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước mua lại công ty tài chính để chuyển đổi thành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu công ty tài chính. Một mặt, đáp ứng được nhu cầu thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng thương mại, mặt khác thúc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Cơ quan này dự báo với xu hướng chuyển đổi hoạt động sang cấp tín dụng tiêu dùng, thực tế hiện nay và trong tương lai sẽ có nhiều ngân hàng thương mại có nhu cầu thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Lệ Chi