HSBC: Kinh tế Việt Nam gây tiếng vang tại châu Á

Báo cáo mới công bố của HSBC về triển vọng kinh tế châu Á cho thấy sau một thập kỷ hoạt động khá tốt, khu vực châu Á đang phát triển chậm lại khi rất nhiều nền kinh tế vẫn trong vòng xoáy phải giải quyết các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính trước đó.

Bắt đầu với Trung Quốc, kinh tế nước này tiếp tục phát triển chậm trong những tháng đầu năm. Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại từ sau cuộc suy sụp xảy ra vào giữa năm ngoái, nhưng với chính sách nới lỏng tiền tệ và đồng yen giảm giá, khả năng tăng trưởng trở lại vẫn rất thất vọng. Tình hình tại Ấn Độ lại càng khó đoán khi nhiều bằng chứng cho thấy nhu cầu đã cải thiện, song không đủ để đáp ứng các kỳ vọng trước đó.

xuat-khau-8004-1427443181.jpg

Xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong khối ASEAN, tổ chức này nhận định khu vực phải đối mặt với các thử thách do đồng đôla Mỹ mạnh lên tạo nên. Tuy nhiên, với Việt Nam, HSBC cho rằng tăng trưởng kinh tế lại gây được tiếng vang lớn. Theo dự báo, năm 2015 GDP của Việt Nam ước tăng 6,1%, cao hơn các nước Singapore (2,6%), Thái Lan (3,6%), Malaysia (4,8%), Indonesia (5,5%) và Philippines (6%). Sang năm 2016, mức tăng trưởng này dự báo vẫn được duy trì và tiếp tục cao hơn các quốc gia trên.

“Philippines và Việt Nam tiếp tục vững vàng tiến về phía trước. Trái lại, Thái Lan chỉ tăng trưởng chậm kể từ khi giảm sút vào năm ngoái. Các loại tiền tệ của Malaysia và Indonesia giảm giá đã làm gia tăng rủi ro vốn đầu tư”, báo cáo đánh giá.

Cụ thể, HSBC cho hay nhu cầu trong nước của Việt Nam đang dần phục hồi và dự đoán tiêu dùng cá nhân sẽ tăng từ mức 5,4% trong năm 2014 lên 5,6% trong năm 2015. Xuất khẩu nổi trội nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng bền vững. Giá dầu giảm cũng có thể thúc đẩy sức mua khi giá các hàng hóa giảm và thu nhập của người tiêu dùng cải thiện.

“Việt Nam là nước nhập khẩu ròng về xăng dầu (khoảng gần 0,5 tỷ USD/năm), do đó việc giá dầu giảm sẽ hỗ trợ vị thế thương mại. Việt Nam cũng là nước chú trọng giao thương các sản phẩm không phải dầu mỏ, có nghĩa rằng các nhà sản xuất và xuất khẩu sẽ được lợi từ chi phí đầu vào thấp”, các chuyên gia của HSBC nhận định.

Tuy vậy, báo cáo nhận xét Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn từ thu ngân sách và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong năm 2012, thu từ xuất khẩu dầu mỏ chiếm 19% trong tổng thu cả nước, vì vậy, thu ngân sách giảm sẽ ảnh hưởng đến cán cân tài chính. Bên cạnh đó, đồng đôla Mỹ đang mạnh lên cũng tạo áp lực lên mục tiêu kiểm soát tỷ giá, dù rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khoảng 36 tỷ USD.

Một nguy cơ khác là những cải cách của Chính phủ còn khá chậm chạp, đặc biệt là giải quyết các khoản nợ xấu và tư nhân hoá các tài sản Nhà nước. Những chính sách quan trọng vẫn bị trì hoãn bao gồm việc nâng mức trần sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực từ 49% lên 60% hay cơ chế cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) được bán các khoản nợ.

Tuy nhiên, HSBC kỳ vọng khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Âu, quá trình cải cách trong nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Phương Linh 

0913.756.339