Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư) cho biết, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,837 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong quý I, số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014 nhưng tổng vốn lại giảm do không có các dự án quy mô lớn”, báo cáo nhận xét. Dự án có quy mô nhất có quy mô 300 triệu USD của Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) thực hiện tại TP HCM với sản phẩm là hàng may mặc cao cấp.
Trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là hơn 491 triệu USD. Trong số này, có 89 dự án được cấp mới với số vốn hơn 314 triệu USD và 33 dự án tăng vốn với 177 triệu USD. Tính bình quân, mỗi ngày Hàn Quốc có một dự án cấp mới và cứ 3 ngày lại có một dự án tăng vốn tại Việt Nam.
Khác với những dự án tỷ đô mà Samsung từng thực hiện năm ngoái, dự án lớn nhất của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc trong ba tháng đầu năm nay chỉ ở quy mô 100 triệu USD do Cty TNHH KMW Việt Nam thực hiện tại Hà Nam trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông, đèn LED chiếu sáng.
Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 trong danh mục này với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 294,36 triệu USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó các nhà đầu tư có trụ sở tại Đảo Virgin (Anh) đứng thứ hai với tổng vốn 351,59 triệu USD, chiếm 19,1%.
Xét theo lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo là thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 115 dự án, góp hơn 1,4 tỷ USD và chiếm 76,6%. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 202,93 triệu USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực Bán buôn bán lẻ sửa chữa với 123 triệu trong 38 dự án đầu tư.
Chí Hiếu