35 tuổi, Trần Khắc Nguyên (ngụ TP Quảng Ngãi) hiện đã là ông chủ của hai nhà máy gạch Tuynel và một nhà máy gạch không nung quy mô lớn ở khu vực miền Trung.
Sinh ra trong gia đình sản xuất gạch nung truyền thống, Nguyên thấu hiểu nỗi trăn trở, lo âu của cha mẹ khi sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Ngay từ lúc là sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa, chàng trai trẻ đã lặng lẽ mang từng viên gạch của gia đình đến các cửa hàng vật liệu xây dựng, công trình vừa động thổ ở Đà Nẵng… tập tành giới thiệu.
Lúc ấy, người dân nơi đây hầu hết dùng gạch bốn lỗ để xây dựng nên khi thấy chàng sinh viên tiếp thị gạch sáu lỗ, họ đều lắc đầu. Suốt cả năm trời, Nguyên đi khắp các tuyến đường, con hẻm tư vấn, thuyết phục và để lại sản phẩm cho người dân dùng thử nghiệm. Dần dần, người dân nơi đây thấy rõ ưu thế của viên gạch sáu lỗ với mẫu mã đẹp lại bền chắc, tiết kiệm được công xây dựng và tốn ít xi măng hơn nên bắt đầu lựa chọn, tin dùng, nhưng vẫn với số lượng nhỏ.
Trần Khắc Nguyên (phải) đang kiểm tra sản phẩm tại nhà máy gạch Tuynel Phú Điền 2 có công suất 50 triệu viên mỗi năm. Ảnh:Trí Tín. |
Giữa lúc khó khăn ấy thì năm 2002, chính quyền Đà Nẵng chủ trương giải tỏa, mở rộng thành phố xây dựng các khu đô thị, tái định cư cho người dân nên có nhu cầu tiêu thụ gạch rất lớn. Nắm bắt cơ hội này, Nguyên mạnh dạn mở văn phòng, lập hệ thống phân phối bắt đầu đưa gạch của gia đình và nhiều lò gạch khác ở Quảng Ngãi ra đây tiêu thụ.
Chàng sinh viên còn nhớ như in, sau giờ học ở giảng đường, anh lần tìm đến cảng biển Sông Thu (Đà Nẵng) làm quen với các tài xế xe tải. “Tôi bàn bạc với các lái xe sau khi chở xi măng vào Quảng Ngãi, thay vì xe ít có hàng về thì hợp tác chở gạch để tăng thêm thu nhập. Nghe nói vậy họ vui vẻ đồng ý chở sản phẩm theo đơn đặt hàng của mình”, Nguyên bộc bạch.
Năm 2004, tốt nghiệp đại học, Nguyên tiếp tục ở lại Đà Nẵng để tập trung nâng sản lượng tiêu thụ gạch, tìm hiểu thị trường, đồng thời phát triển hệ thống phân phối sơn và bột trít tường. Trong lúc công việc đang “thuận buồm, xuôi gió” thì năm 2006, cơn bão Chanchu bất ngờ ập tới đánh sập toàn bộ nhà xưởng, làm hỏng hàng chục tấn sơn, bột trít tường. Bão dữ đi qua, anh thu dọn nhà xưởng, thất thểu quay về quê Quảng Ngãi gây dựng lại từ đầu.
Nghĩ là làm, Nguyên cùng gia đình chạy vạy vay thêm vốn, lo thủ tục, hồ sơ xây dựng nhà máy gạch Tuynel với công suất 10 triệu viên mỗi năm ở xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa. Suốt nhiều năm dài xây dựng, làm thủ tục kiến nghị địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu để sản xuất gạch, chàng kỹ sư trẻ mất ăn, mất ngủ.
Nguyên thuật lại, cuối năm 2007, nhà máy đưa vào vận hành thì dây chuyền vẫn không chạy ra được gạch bán thành phẩm. “Lúc ấy, tôi và anh em công nhân lo lắng tột độ. Hì hục suốt hai ngày đêm thì phát hiện, khắc phục một số lỗi gây trục trặc trong hệ thống dây chuyền. Sau đó, sản phẩm ra ổn định trong tiếng reo hò vui sướng của mọi người.
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy gạch Tuynel Phú Điền 2. Ảnh: Trí Tín. |
Lô gạch đầu tiên ra lò thành công, Nguyên quyết định phát triển thương hiệu nhà máy gạch với tên gọi “Phú Điền” với hàm nghĩa mảnh đất trù phú. Năm 2008, các tỉnh khu vực miền Trung rộ lên phong trào xây dựng công trình, nhà ở đã tạo nên “cơn sốt” gạch chưa từng có. Để kịp đáp ứng thị trường, anh đã không ngừng đầu tư thêm dây chuyền, mở rộng quy mô, nâng công suất lên 25 triệu viên mỗi năm và tiếp tục tăng gấp đôi lên 50 triệu viên một năm sau đó nhằm kịp đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhiều công trình khác.
Thành công nối tiếp thành công, Nguyên mạnh dạn gom góp vốn liếng và vay thêm ngân hàng mua lại nhà máy gạch không nung ở Khu kinh tế Dung Quất. Sau đó, anh sửa chữa và nâng cấp công suất lên 20 triệu viên, 5 triệu m2 gạch vỉa hè mỗi năm. Năm 2010, anh tiếp tục xin phép, lập thủ tục đầu tư nhà máy gạch Tuynel Phú Điền 2 tại xã Hành Minh (huyện Nghĩa Hành) với công suất 50 triệu viên mỗi năm.
Hiện, ba nhà máy gạch của ông chủ trẻ này tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 350 lao động. Mỗi năm ba nhà máy cung ứng cho thị trường miền Trung 120 triệu viên gạch Tuynel không nung và 5 triệu m2 gạch lát vỉa hè, doanh thu hơn 70 tỷ đồng. “Hạnh phúc của nghề làm gạch là sản phẩm của mình làm ra được người dân, chủ sở hữu các công trình từ làng quê đến thành phố lớn tin tưởng sử dụng”, anh Nguyên thổ lộ.
Trí Tín