Khi Ooredoo (Qatar) và Telenor (Na Uy) bắt đầu kinh doanh tại Myanmar năm ngoái, người dân đã xếp hàng dài để đăng ký dịch vụ viễn thông giá rẻ của họ. Nhưng chỉ 6 tháng sau, nhà mạng quốc doanh Myanmar Posts & Telecommunications (MPT) – vốn thống trị thị trường hàng thập kỷ qua bất chấp dịch vụ lạc hậu, đã có nhiều khách hàng mới hơn cả 2 đối thủ cộng lại.
Tình cảnh này đã cho thấy sự thống trị của doanh nghiệp nhà nước, cũng như các thách thức công ty nước ngoài phải đối mặt khi Myanmar vừa muốn hiện đại hóa nền kinh tế, vừa muốn bảo vệ lợi ích doanh nghiệp. Viễn thông đang được xem là phép thử khi nước này chuẩn bị mở cửa nhiều lĩnh vực khác, như năng lượng, bất động sản, du lịch và sản xuất.
“Vòng đầu tiên, MPT có lợi thế rõ ràng và đang giành chiến thắng. Nhưng cuộc chơi mới bắt đầu mà thôi”, Chris Tun – Giám đốc khu vực Myanmar tại hãng tư vấn Deloitte cho biết.
Người dân xếp hàng chờ đăng ký dịch vụ của Ooredoo tại Yangon. Ảnh: EPA |
Viễn thông nước này còn rất nhiều cơ hội phát triển khi tỷ lệ sở hữu điện thoại di động tại đây chỉ là 14% trên hơn 51 triệu dân, Deloitte ước tính. So với hơn 100% tại nhiều nước khác, kể cả các nước kém phát triển hơn, con số này là rất thấp.
Tuy nhiên, Ooredoo và Telenor đang phải vật lộn với các thủ tục hành chính, cấu trúc sở hữu đất đai không rõ ràng, thuê nhân công khó và cả căng thẳng tôn giáo. Điều này đã giúp MPT nhanh chóng khẳng định quyền thống trị.
Được hỗ trợ bởi 2 tỷ USD đầu tư và tư vấn chiến lược từ 2 công ty Nhật Bản – KDDI và Sumitomo, MPT đã có nhiều chiến lược marketing mới, logo mới hiện đại hơn và phí dịch vụ cũng giảm gần 40%. Những cải tiến này đang giúp họ có thêm nhiều khách hàng.
Số thuê bao của MPT đã tăng gấp đôi lên 11 triệu trong 6 tháng qua, gấp gần 3 lần Telenor (3,4 triệu) cuối năm 2014. “Trước đây, chúng tôi thậm chí còn chẳng có phòng marketing. Chúng tôi không biết chiến lược marketing là gì. Vì MPT là nhà mạng duy nhất trên thị trường”, Kyaw Soe – Tổng giám đốc MPT cho biết.
Ooredoo hiện có 2,2 triệu thuê bao tại Myanmar, tính đến hết năm 2014. Trong báo cáo công bố hôm qua, họ cũng cho biết mảng kinh doanh tại Myanmar vẫn chưa có lãi. Dù vậy, điều này vẫn nằm trong dự tính, với doanh thu năm ngoái đạt 189 triệu USD.
Telenor và Ooredoo là hai cái tên chiến thắng trong cuộc đấu thầu giành giấy phép kinh doanh viễn thông tại Myanmar năm 2013. Viettel (Việt Nam) cũng nộp hồ sơ, nhưng không thành công. Dù vậy, hãng cho biết sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu khả năng đầu tư vào thị trường này.
Telenor và Ooredoo đã thực hiện nhiều chiến dịch marketing trên khắp Myanmar. Tại các vùng nông thôn ở bang Shan và Karen, họ treo biển quảng cáo bên cạnh các căn nhà và quán nước. Còn ở Yangon, Telenor đặt logo tại các bốt cảnh sát dọc đường, còn Ooredoo làm ô cho những người bán hàng rong.
Dù vậy, gây dựng mạng lưới tại đây lại là một câu chuyện khác. Dựng cột thu phát sóng rất phức tạp, do tất cả đất ở Myanmar đều thuộc sở hữu nhà nước và quyền sở hữu cũng rất mập mờ, các lãnh đạo công ty cho biết. Người dân thi thoảng cũng đòi trả một khoản lớn mới giao đất.
Đất là “một thách thức pháp lý rất lớn ở Myanmar”, do thiếu khung pháp lý tiên tiến, Andrew Stott – luật sư tại hãng luật Olswang cho biết. Dù vậy, Petter Furberg – CEO Telenor Myanmar cho biết Chính phủ Myanmar “đang học hỏi rất nhanh cách xử lý và cấp giấy phép hiệu quả hơn”. Việc này “rất quan trọng trong việc phủ sóng toàn quốc””
Cả hai công ty vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Telenor đã dựng được 1.500 cột thu phát sóng, đang bổ sung với tốc độ 200-300 cột mỗi tháng, nhưng vẫn kém xa ước tính 8.000 cột mà hai hãng cần thực hiện để phủ sóng 75% Myanmar năm tới. Đây là điều kiện đã ghi trong giấy phép kinh doanh.
Furberg thừa nhận thách thức với quyền sở hữu đất và thủ tịch hành chính. Nhưng ông cho biết những rủi ro này đều đã được dự báo từ trước. Bên cạnh đó, số thuê bao của Telenor hiện còn vượt xa mục tiêu ban đầu.
Ooredoo thì cho biết đã lập “bước tiến tham vọng” cho mảng kinh doanh tại Myanmar. CEO Ooredoo Myanmar – Ross Cormack cho biết hãng vẫn còn gặp rắc rối vì quy định tại 7 bang khác nhau. “Chúng tôi đang làm việc với Chính phủ và chính quyền địa phương để giải quyết các thách thức này”, ông cho biết. Deloitte Consulting ước tính Ooredoo có khoảng 2.000 cột phát sóng cho đến cuối năm 2014.
Trong khi đó, MPT có sẵn mạng lưới và có thể giải quyết vấn đề quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, do là doanh nghiệp nhà nước. Họ hiện có 2.000 cột thu phát sóng, dự kiến nâng gấp đôi cuối năm 2016 và còn được KDDI, Sumitomo hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Những nỗ lực này đã mang lại kết quả khi tại Yangon, tốc độ truyền dữ liệu di động trong mạng MPT đã nhanh hơn các đối thủ.
Ngoài ra, các nhà mạng nước ngoài cũng đang vật lộn cạnh tranh với việc thuê nhân công trình độ cao tại địa phương, do hệ thống giáo dục lạc hậu suốt nhiều thập kỷ qua. MPT hiện có khoảng 8.000 lao động có kinh nghiệm.
Một thách thức khác với riêng Ooredoo là người dân Myanmar theo đạo Phật. Trong bối cảnh phong trào chống đạo Hồi đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, một số người Myanmar đã kêu gọi tẩy chay nhà mạng Qatar này. Ooredoo đã phải chi khá nhiều cho quảng cáo để xoa dịu nhận thức tiêu cực từ mọi người, giới phân tích cho biết. Bản thân nhà mạng cũng thừa nhận thách thức trên, nhưng cho biết chúng vẫn chưa ảnh hưởng đến hoạt động của họ.
Hà Thu (theo Wall Street Journal)