Chủ tịch FPT và chuyện ‘chiếm’ ghế tại Davos

Trở về từ Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2015, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đánh giá cao cơ hội từ các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu cũng như triển vọng của ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Ông cũng chia sẻ với VnExpress những câu chuyện thú vị bên lề hội nghị.

– Vừa trở về từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ, ông có ấn tượng như thế nào về lần thứ 4 tham dự này?

– WEF năm 2015 nhận được sự quan tâm nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 2.500 đại biểu, 1.500 doanh nghiệp trên toàn cầu, 300 quan chức chính phủ và 40 nguyên thủ quốc gia. Trong 4 ngày diễn ra diễn đàn, mọi sự chú ý đều tập trung về đây, thậm chí các chuyên cơ còn tắc nghẽn trên bầu trời Davos. 

Tuy vậy, không khí hội nghị năm nay lại bao trùm trong nỗi lo âu khi thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về Nhà nước Hồi giáo IS, căng thẳng giữa Nga – Ukraine, giá dầu giảm cũng như dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định thế giới đang đứng trước bất ổn lớn, thậm chí không dự báo được tương lai.

truong-gia-binh.jpg

Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ nhiều cuộc trao đổi tại Davos đều phải đứng. Ảnh: Đ.T

Khi những sự kiện tương tự như Charlie Hebdo xảy ra, doanh nghiệp hết sức bối rối. Nếu những căng thẳng chính trị không được giải quyết thì doanh nghiệp không thể an tâm kinh doanh

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn kinh tế thế giới vừa đăng ký trở thành một tổ chức quốc tế tương tự như Hội Chữ thập đỏ. Đây có thể sẽ là nơi duy nhất trên thế giới để các nguyên thủ quốc gia, thủ lĩnh các tôn giáo, lãnh đạo các doanh nghiệp, thủ lĩnh các cộng đồng, các nhà lãnh đạo trẻ chia sẻ, tìm cách thức xử lý các vấn đề và nguy cơ mang tầm vóc toàn cầu. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Hợp quốc đã được hình thành, và có lẽ diễn đàn kinh tế thế giới sẽ đóng vai trò lớn hơn trong bối cảnh khủng hoảng tôn giáo và sắc tộc.

– Trong hoàn cảnh này, Việt Nam được cộng đồng thế giới đánh giá như thế nào?

– Nhờ tình hình trong nước ổn định, Việt Nam đang thu hút những tập đoàn công nghệ lớn đến đầu tư, như Samsung, Nokia, LG… Chính những cơ hội từ China Plus One (Trung Quốc + 1), India Plus One (Ấn Độ +1), Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất các thiết bị điện tử cầm tay lớn nhất thế giới.

Các công ty công nghệ cao dịch chuyển cũng kéo theo các doanh nghiệp logistic sẵn sàng đầu tư lớn vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu vận tải toàn cầu. Tuy vậy, chúng ta cũng phải cải thiện những điểm yếu hiện tại như chất lượng cơ sở hạ tầng, điện, thủ tục đăng ký kinh doanh… Nếu làm tốt, Việt Nam sẽ càng hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

– Với FPT, việc tham dự WEF mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

– WEF hiện là một trong những phương thức quan trọng để FPT tiếp cận với lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu. Các cuộc gặp năm ngoái đã biến thành hợp đồng và hy vọng năm nay sẽ tiếp tục thu được kết quả khả quan. Những mối quan hệ tại Davos cũng được tăng cường và nhiều doanh nhân tôi gặp đã trở thành bạn bè. Họ hứa sang Việt Nam. Đây là điều quan trọng bởi kinh nghiệm cho thấy nếu như không mời được lãnh đạo cao cấp sang Việt nam thì không thể có hợp đồng.

Bản thân tôi đánh giá để FPT có quan hệ thân thiết với lãnh đạo toàn cầu thì dường như cơ hội chỉ có ở Davos. Nhờ đây, quy mô và chất lượng các hợp đồng của FPT ngày càng thay đổi.

– Ông thấy các cuộc gặp ở WEF có điểm gì khác biệt so với các cuộc gặp ở nơi khác?

– Điểm lý thú ở hội nghị là sự tin cậy, điều chỉ có ở Davos. Các cuộc trò chuyện tay đôi giữa các lãnh đạo doanh nghiệp thường diễn ra rất ngắn gọn, khoảng 15 phút và đi nhanh vào chủ đề chính, tôi cần gì và bạn làm được gì. Họ sẽ không hỏi vòng vo bạn như thế nào, Việt Nam ra sao bởi trước đó đã nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị chi tiết cho các cuộc gặp đã được hẹn trước.

Tôi vẫn còn ấn tượng với buổi trao đổi với lãnh đạo IBM, khi ngỏ lời muốn gặp lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin tập đoàn, vị này lập tức rút điện thoại, đọc nội dung thư, sửa vài chữ bản dịch từ giọng nói sang văn bản email, ấn gửi và nhanh chóng trả lời với tôi, mọi chuyện đã xong. Tốc độ làm việc chóng mặt.

– Vậy dàn xếp một cuộc hẹn ở Davos có dễ dàng không, thưa ông?

– Lãnh đạo các doanh nghiệp đều rất bận rộn nên các cuộc gặp đều phải hẹn trước qua email. Chắc chắn không có chuyện bạn đang giải lao ngoài sảnh, hút thuốc hoặc uống cà phê mà có thể nói chuyện riêng tư với lãnh đạo một tập đoàn quốc tế. Họ không có thời gian, ngoài cái bắt tay xã giao người ta sẽ không dừng lại bắt chuyện bạn.

– Ông nhớ nhất những kỷ niệm nào trong các cuộc gặp gỡ nhanh chóng này?

– Với hàng nghìn người tham gia diễn đàn, ghế ngồi luôn là vấn đề. Rất dễ bạn sẽ phải đứng làm việc với đối tác.

Tôi nhớ có một lần trong cuộc gặp với Michael Dell, ông ta không có ghế và tôi ngỏ ý muốn nhường ghế của mình. Song, Michael nói ngay “Theo tôi” và ông dẫn tôi đi lòng vòng đến một khu có cả ghế và bàn trống với nụ cười mỹ mãn. Cuộc gặp này đã dẫn đến hợp đồng giữa FPT và Dell sau đó. Điều ngạc nhiên là huyền thoại máy tính thế giới đã dẫn tôi đến khu không dành cho chúng tôi. 

Bên cạnh đó, các cuộc hẹn của FPT hầu hết ở khu công cộng nên để tìm được đối tác, điểm quan trọng nhất là phải nhớ mặt. Kinh nghiệm cho thấy nếu mình đi thì có thể mất ghế, nhưng ngồi một chỗ thì lại khó tìm được nhau. Phải tranh thủ từng phút tại Davos.

– Tại WEF 2015, ông đã có cuộc gặp với Jack Ma – Chủ tịch Alibaba, ông đánh ra như thế nào về thành công của vị tỷ phú này?

– Thành công của Alibaba đã thay đổi thương mại thế giới cũng như Trung Quốc. Thương mại điện tử đã chứng minh sự ưu việt của công nghệ số và thắng thế các phương thức cũ. Ở Việt Nam, thương mại điện tử mới ở giai đoạn hình thành, một phần là do phương thức thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Hơn nữa chúng ta chưa có khung pháp lý về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, hạ tầng kinh tế điện tử. Logistics cũng mới đang phát triển.

Song, tôi tin rằng thương mại điện tử Việt Nam sẽ thành công bởi đây là xu thế không đảo ngược. Mỗi người Việt Nam rồi sẽ có thể xuất khẩu hàng Việt Nam qua thương mại điện tử.

– Theo ông, cơ hội cho FPT sau các cuộc gặp tại Davos năm nay như thế nào?

– FPT là tập đoàn 22.000 người và đang cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho hàng trăm công ty trong danh sách Forbes 1000, với những giải pháp công nghệ mới. Hiện nay, nhiều tập đoàn thế giới đều muốn chuyển sang mô hình số, song họ lại thiếu nguồn nhân lực và Việt Nam có lợi thế hơn hẳn về chi phí nhân công.

Năm nay, tôi đã gặp 15 doanh nghiệp lớn và tất cả đều hứa sẽ sang thăm Việt Nam.

Phương Linh

0913.756.339