Khoảng 3 năm trở lại đây, marketing điện tử (digital marketing) ngày càng phổ biến và quan trọng đối với doanh nghiệp và những người tự kinh doanh. 2014 đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ của một số công cụ và giải pháp marketing điện tử lớn như Facebook, Google, SEO, Mobile Marketing… Điển hình như Facebook Ads đã đạt mức tăng trưởng nhanh về doanh thu cũng như số người tham gia mua quảng cáo.
Marketing điện tử giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người tự kinh doanh, yếu thế hơn, mới hơn vẫn có cơ hội vươn lên dẫn đầu thị trường hoặc có doanh thu tốt, khả năng tiếp cận khách hàng dễ hơn.
Marketing điện tử (e-marketing) giúp cho các chiến dịch bán hàng của doanh nghiệp hiệu quả hơn. |
Lấy một bài toán đơn giản làm ví dụ: Thương hiệu thời trang lớn XYZ có 100 cửa hàng trên toàn quốc, mỗi ngày trung bình một cửa hàng bán được 10 sản phẩm thì tổng cộng thương hiệu đó bán được 1.000 sản phẩm. Trong khi đó, một cá nhân hoặc một đơn vị nhỏ cũng có thể bán lẻ trực tuyến được 1.000 sản phẩm với sự trợ giúp của quảng cáo trên mạng, thanh toán trực tuyến, giao hàng, dịch vụ thu tiền hộ, thậm chí có cơ hội tiếp cận cả thị trường quốc tế ngay tại nhà kho của mình.
Nói như vậy không phải là marketing truyền thống không có hiệu quả, song sự hiệu quả phụ thuộc vào loại hình sản phẩm và dịch vụ muốn quảng cáo và mục tiêu của chiến dịch quảng cáo đó. Tuy nhiên, có thể dễ dàng chứng minh rằng marketing đã thay đổi kể từ khi xuất hiện các công cụ marketing điện tử, và sức mạnh, vai trò của marketing điện tử liên tục gia tăng so với các loại hình mang tính truyền thống.
Người làm trong mảng marketing truyền thống có một câu nói kinh điển: “Tôi luôn biết một nửa ngân sách quảng cáo của tôi không hiệu quả, nhưng không biết là nửa nào”. Nhưng với marketing điện tử, hiệu quả của từng chiến dịch dễ dàng đo lường qua các thông số kỹ thuật như giá mỗi nhấp chuột (CPC), giá mỗi 1000 lần hiển thị (CPM), tỷ lệ nhấp vào quảng cáo (CTR), tỷ lệ chuyển đổi thành các mục tiêu marketing (CR), giá trị của một đơn hàng, số lượng truy cập, thời gian truy cập, thiết bị truy cập, hành vi truy cập… để từ đó điều chỉnh chiến dịch quảng cáo và marketing hiệu quả hơn.
Đặc biệt, yếu tố hiệu quả được nhấn mạnh bởi khả năng tiếp cận hàng triệu khách hàng thông qua rất nhiều công cụ trong cùng một thời điểm, từ bài báo quảng cáo, quảng cáo qua mạng xã hội, quảng cáo tìm kiếm, video, quảng cáo qua di động… hơn nữa là khả năng nhắm chọn khách hàng tiềm năng xem quảng cáo chính xác hơn, mang tính cá nhân hóa cao hơn so với phương thức truyền thống.
Trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm 2015, phong trào “thanh niên khởi nghiệp” đang lan rộng, các dịch vụ Internet ngày càng phổ biến và thị trường bán lẻ trực tuyến bùng nổ…, marketing điện tử được dự báo sẽ tiếp tục lấn át các công cụ khác trong năm 2015. Đây là xu hướng phát triển khách quan và tất yếu, cũng giống như mô hình kinh doanh “sự chia sẻ” dựa trên sự ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị di động, thanh toán di động đã và đang bùng nổ trên thế giới và dần dần lan tỏa đến các thị trường mới nổi.
Tuy vậy, vẫn hơi đáng tiếc khi nhiều công cụ marketing điện tử mạnh và phổ biến tại Việt Nam lại là công cụ của nước ngoài, vì thế một phần lớn chi phí marketing điện tử này cũng đang rơi vào túi các tập đoàn công nghệ lớn chứ không phải những công ty hay giải pháp của Việt Nam.
Sự phát triển mạnh của các trang mạng xã hội, các trang tin tức cũng mới chỉ cung cấp hệ sinh thái quảng cáo hiển thị thông qua báo điện tử, chứ chưa có các giải pháp quảng cáo trực tuyến đột phá và cạnh tranh được với các công cụ lớn đang thành công tại Việt Nam.
Nhưng cuối cùng, cũng đừng quên các hoạt động Offline Marketing. Khi bạn online toàn bộ, đừng quên các hoạt động như tổ chức các cuộc thi, các sự kiện dành cho khách hàng để gia tăng sự kết nối. Tất nhiên là để tổ chức được các sự kiện offline bạn vẫn cần đến các công cụ online.
Dưới đây là 15 công cụ marketing điện tử mà doanh nghiệp và những người làm kinh doanh có thể tham khảo.
1. Facebook Marketing (Profile, Fanpage, Ads): giúplàm thương hiệu, bán hàng, chạy quảng cáo tiếp cận khách hàng, tìm kiếm đối tác.
2. YouTube Marketing (Video, Ads): làm video giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của doanh nghiệp. Sử dụng dịch vụ quảng cáo hiển thị hoặc dịch vụ quảng cáo video của YouTube.
3. Google for Business: cho phép khách hàng tìm kiếm trả tiền, hiển thị quảng cáo sản phẩm, chương trình marketing và cả một số giải pháp quảng cáo trên di động hoặc cho ứng dụng di động.
4. Email Marketing: sử dụng email marketing cho hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng sau mua, email công việc và giao tiếp với khách hàng…
5. Web Marketing: Tập trung vào các giải pháp công nghệ tối ưu cho việc hiển thị trên các thiết bị di động, tính năng mua hàng, thanh toán đơn giản thuận tiện; làm hình ảnh, video, nội dung, chat, hotline…
6. SEM: Ngoài giải pháp tìm kiếm trả phí thì có giải pháp tối ưu công cụ tìm kiếm (tìm kiếm miễn phí) giúp cho những người bán hàng có cơ hội tiếp cận với khách hàng thông qua công cụ tìm kiếm Google tại Việt Nam.
7. Mạng lưới quảng cáo hiển thị nội địa: Một số giải pháp của các mạng lưới quảng cáo hiển thị của Việt Nam dựa trên hệ sinh thái báo điện tử, trang tin tức phát triển khá mạnh và có độ phủ tiếp cận khách hàng lớn.
8. Báo điện tử và PR: Sử dụng những bài báo quảng cáo, quan hệ công chúng để thu hút sự chú ý của khách hàng, chiếm được lòng tin và sự quan tâm của khách hàng…
9. Trang mạng xã hội và diễn đàn nôi địa: Đây cũng là những công cụ mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
10. Mobile Marketing: giúp xác nhận và thanh toán, SMS chăm sóc khách hàng, báo tin…
11. Chat và OTT: Các dịch vụ chat và ứng dụng OTT có thể giúp người bán kết nối với khách hàng một cách thuận lợi và tiện dụng. Dùng để tư vấn bán hàng trực tuyến hoặc giữ kết nối với khách hàng sau bán.
12. Content Marketing: Doanh nghiệp có thể sử dụng marketing nội dung số thông qua blog/website, các tài khoản mạng xã hội phổ biến để tiếp cận với khách hàng và khách hàng tiềm năng thông qua các bài viết chia sẻ kinh nghiệm, hình ảnh, video, games…
13. Affiliate Marketing: Marketing liên kết cho phép mọi người cùng tham gia bán hàng cho doanh nghiệp và hưởng hoa hồng bán hàng; hoặc doanh nghiệp có thể liên kết để chia sẻ khách hàng với đơn vị khác nhằm chia sẻ nguồn lực của nhau.
14. Một số công cụ và phần mềm hỗ trợ quảng cáo và đo lường cho các công cụ khác: criteo (adchoice); itarget; GA…
15. Truyền hình: Truyền hình cũng là một công cụ marketing điện tử mà vừa mang tính truyền thống vừa mang tính công nghệ. Truyền hình vẫn là một công cụ vô cùng hiệu quả đối với rất nhiều ngành hàng.
Nguyễn Phan Anh