Nuôi cá chẽm thu tiền tỷ mỗi năm

Để ương nuôi thành công cá chẽm với quy mô hiện có là cả một quá trình kiên trì vừa đầu tư ương nuôi, vừa rút ra bài học kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại của ông Cương. Ông kể lại, ban đầu ông ương tôm sú giống thu lãi cao. Nhưng nghề nuôi tôm dần bị “đứng bánh” do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường tràn lan. Hàng vạn ao đìa bỏ hoang, không còn mấy người mua giống tôm, “ngồi chơi xơi nước” dài cũng chán rồi tính chuyện nuôi trồng loại giống khác.

“Tôi mê  giống cá chẽm. Bởi hồi còn trẻ ở quê An Hải, tôi thường đánh bắt cá tự nhiên ở cửa đầm Ô Loan. Loại cá này rất ngon, bổ dưỡng nhưng sau này bị khai thác cạn kiệt”- Chủ cơ sở tâm sự. Năm 2005, ông tham gia lớp tập huấn ương nuôi cá chẽm do Trường Đại học Thủy sản Nha Trang tổ chức. Từ đó, ông tiên phong sản xuất giống cá này và gắn bó với nó đến nay.

Ca-chep-MUUQ-8342-1424137418.jpg

Ông Cương bên bể ương cá chẽm của mình.

Hiện cơ sở ương nuôi giống cá chẽm của ông Cương lớn nhất trong cả nước, cung ứng giống chất lượng cho người nuôi các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và các tỉnh phía Nam. Mỗi năm từ hai cơ sở sản xuất giống, ông Cương thu về hàng tỷ đồng.

Ông Cương cho biết, khi nghề nuôi tôm sú xuất khẩu gặp khó khăn thì việc đa dạng hóa đối tượng nuôi xuất khẩu trở nên cần thiết. Và cá chẽm là một mặt hàng xuất khẩu có nhiều tiềm năng, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2009 đến nay. Ngoài  thị trường tiêu thụ trong nước đang  tiêu thụ ổn định. Hiện cá chẽm đã xuất sang Thái Lan, Mỹ, Úc với số lượng lớn. Theo ông Cương nếu nuôi công nghiệp có thể đạt 30 tấn mỗi hec ta, với giá hiện nay 80.000 đồng một kg, một hộ nuôi có thể đạt doanh thu trên 2,4 tỉ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, theo ông chỉ mới có số ít doanh nghiệp trong nước nuôi cá chẽm công nghiệp, chưa có hộ dân nào tham gia mô hình này. 

Theo ông Lưu Văn Tân – người nuôi cá chẽm 10 năm tại vịnh Xuân Đài (ở phường Xuân Yên, Thị xã Sông Cầu) cho biết nguồn giống từ cơ sở được ông Cương cung cấp có chất lượng cao, tỉ lệ hao hụt chỉ 10%. “Tôi đang thả 4 vạn cá chẽm sinh trưởng nhanh, khoảng 8 tháng là thu hoạch, chắc chắn đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Tôi rất muốn nuôi cá công nghiệp nhưng chưa xoay xở được vốn” – ông Tân nói.

Để giải quyết được khó khăn về vốn cho những hộ có nhu cầu Cương cho rằng ngoài việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí, các doanh nghiệp cần liên kết với người dân để nuôi cá sạch và đảm bảo tiêu thụ hết. Đặc biệt mở rộng quy mô sản xuất giống sạch bệnh cung ứng nuôi cá công nghiệp nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, hạn chế rủi ro trong sản xuất, tăng thu nhập cho dân.

Cá chẽm sống nhiều ở Việt Nam, Malaysia, Australia, Trung Quốc. Đây là giống cá có thể sống trong môi trường nước mặn, ngọt lợ. Thịt cá chẽm trắng thuộc nhóm A. Giá xuất khẩu khoảng 80.000 đồng một kg, bán trong các nhà hàng trong nước có giá 250.000 đồng một kg. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất phát triển nuôi cá chẽm, nhằm đưa loài cá này thành một trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ chốt với kim ngạch đạt 300-500 triệu USD vào năm 2015.

Theo Lao động

0913.756.339