Xấu như… dự phòng nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 29/9 cho biết đến tháng 7 các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu ở mức 4,11%, tổng số nợ xấu ước tính có thể lên đến 500.000 tỷ đồng. Ông cũng nói thêm, thời điểm này số trích lập dự phòng rủi ro đã đến 78.000 tỷ đồng và cuối năm nay tiếp tục tăng để xử lý.

Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cuối tháng 9 thì cho biết, đến cuối tháng 6, nợ xấu của toàn hệ thống là 160.940 tỷ đồng, số dư dự phòng còn lại của toàn hệ thống đạt mức 77.300 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cuối năm 2013.

Theo con số của ông Nghĩa, tỷ lệ trích lập dự phòng trên nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng tính ra chưa đầy 50%. Đây là tỷ lệ quá thấp trong khi theo thông lệ thế giới, trích lập dự phòng rủi ro trên nợ xấu của các ngân hàng ngưỡng an toàn phải là trên 100%.

4-5285-1419584055.jpg

Chất lượng tài sản của các ngân hàng hiện đang ở mức thấp. Ảnh: QH

Cáo cáo tài chính của các ngân hàng công bố cuối tháng 9 cho thấy hầu hết đều có tỷ lệ quỹ dự phòng trên nợ xấu (LLR) rất thấp. Đa số ngân hàng niêm yết có LLR từ 50 đến 85%, trừ Vietcombank và Sacombank tỷ lệ này trên 100%. Nhóm các ngân hàng chưa niêm yết tỷ lệ LLR hầu hết dưới 50%.

ACB thời điểm cuối tháng 9/2014, tỷ lệ nợ xấu 3,06%, chi phí dự phòng đã tăng 94% so với cuối ngoái lên 664 tỷ đồng song LLR mới đạt 54%. Kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng của Eximbank cho biết chi phí dự phòng tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lên 280 tỷ đồng trong khi ngân hàng công bố tỷ lệ nợ xấu là 3,54%, tăng từ 1,98% hồi cuối năm 2013.

Mặc dù chi phí dự phòng tăng trong nửa đầu năm 2014 nhưng tỷ lệ bù đắp nợ xấu bằng dự phòng rủi ro (LLR) chỉ đạt 30,4% vào cuối qúy III cho thấy chất lượng tài sản ngân hàng đã suy giảm mạnh và ngân hàng cần phải tăng trích lập dự phòng nhiều hơn để giải quyết nợ xấu.

Với Vietinbank, nợ xấu đứng ở mức 6.978 tỷ đồng, tỷ lệ 1,75% vào ngày 30/9. Tỷ lệ dự phòng của ngân hàng hiện ở mức 78%.

Các ngân hàng nhóm trung và nhóm nhỏ hơn, hầu hết tỷ lệ trích lập dự phòng rất thấp (trừ VIB có tỷ lệ trích lập dự phòng trên nợ xấu cao hơn bình quân, khoảng 77,9%). Tỷ lệ này ở SHB hết tháng 9 là 37%, dù đã cải thiện so với 2013 là 26,7%. HDBank có LLR là 43% (số liệu cuối qúy I/2014); Ocean Bank 5,9% (số liệu cuối qúy II); Techcombank LLR chỉ đạt 45,2% cuối qúy III…

Tên ngân hàngLLR (tháng 9/2014)
BIDV91%
CTG78%
VCB106%
ACB54%
EIB32%
MBB83%
SHB37%
STB125%
HD Bank43%  (quý I/2014)
Ocean Bank55,9% (quý II/2014)
Techcombank45,2%
VIB77,9%
Tỷ lệ quỹ dự phòng/nợ xấu (LLR) của một số ngân hàng

Riêng Sacombank, báo cáo công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu khá tốt, nợ xấu giảm đáng kể từ 1,46% năm 2013 xuống còn 0,98%, chi phí dự phòng trích lập tăng 87,7% so với cùng kỳ nên hệ số LLR ở mức cao là 125% so với mức 84% trong năm 2013. Tuy nhiên, thị trường chưa hoàn toàn yên tâm vì cách tính toán nợ xấu của ngân hàng này, thêm vào đó dự kiến sáp nhập với một ngân hàng yếu như Ngân hàng Phương Nam càng làm câu hỏi về chất lượng tài sản trong tương lai của STB thêm khó đoán.

Vietcombank là điểm sáng trong ngành ngân hàng khi trích lập 3.513 tỷ đồng dự phòng trong 9 tháng đầu năm (tăng 15,4% so với cùng kỳ) và tỷ lệ nợ xấu công bố 2,54%. Trong khi đó dự phòng lũy kế trích lập là 8.127 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ) và bằng 2,7% dư nợ. Hệ số LLR là 106%, cao hàng đầu trong ngành và cách tính của Vietcombank cũng khá tin cậy.

Theo cách tính của các ngân hàng hiện nay, LLR chỉ tính trên hai số liệu là số tiền ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu cho vay khách hàng và nợ xấu nhóm 3-4-5, tức chưa có nợ nhóm 2, nhóm cận kề xấu, và một số ngân hàng thời gian qua vẫn có thể chuyển nợ từ nhóm 3 sang nhóm 2 bằng các biện pháp kỹ thuật. Đó là chưa kể, cách xếp nhóm nợ vẫn còn chưa chặt chẽ bởi quy định phân loại nợ theo Quyết định 780 cho phép ngân hàng đảo nợ hoặc được giữ nguyên nhóm nợ với một số trường hợp.

Bắt đầu từ ngày 12/12, Nghị định 96 có hiệu lực và theo đó các hành vi thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro không đúng quy định của các tổ chức tín dụng sẽ bị áp dụng mức phạt tiền 200-250 triệu đồng và phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ, ngoài việc đối mặt với các vấn đề chung của ngành, các ngân hàng còn phải đối diện với việc xử lý nợ xấu và thách thức phải tăng tài sản sinh lời. Theo ông, các định chế tài chính muốn cải thiện hệ số an toàn vốn cần tăng vốn liên tục thì mới có thể tăng trưởng hoạt động của mình. Khả năng huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng hoạt động của ngân hàng trên thị trường thực sự là bài toán khó. Ông cũng cho rằng các quy định đang dần dần thắt chặt theo Thông tư 36 và 02 sẽ ép các ngân hàng vào việc buộc tăng trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận sau thuế.

Thông tư 36 có một điểm quan trọng là yêu cầu các ngân hàng tính đúng, tính đủ giá trị thực của vốn điều lệ và vốn được cấp được xác định sau khi đã trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Nếu vốn điều lệ thực của một tổ chức tín dụng xuống thấp dưới mức vốn pháp định, thì tổ chức đó cần tìm phương án xử lý để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng vốn pháp định và báo cáo với Ngân hàng Nhà nước cách xử lý trong vòng 30 ngày. Đây được xem là điểm thay đổi mạnh tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng.

Trường Nam

0913.756.339