Bắt đầu từ năm 2008, diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã trở thành hoạt động thường niên, gây chú ý, khi doanh nghiệp có thể đối thoại thẳng thắn với đại diện Chính phủ, cơ quan Bộ, ngành về các lĩnh vực nổi cộm của đời sống kinh doanh…
Điểm đặc biệt của diễn đàn cuối kỳ năm nay, khai mạc sáng 2/12 là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lần thứ 3 trong năm trực tiếp đăng đàn đối thoại. Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã gặp gỡ giới kinh doanh tại một diễn đàn hồi tháng 4 và VBF giữa kỳ vào tháng 6.
Thủ tướng tham gia đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp ở diễn đàn VBF giữa kỳ hồi tháng 6/2014. |
Trả lời VnExpress, bà Virginia Foote – đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho biết cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng ở lần xuất hiện tiếp theo này của người đứng đầu Chính phủ. “Đây đã là thời điểm cuối năm 2014, chúng tôi rất muốn nghe Thủ tướng đánh giá về những gì đã đạt được trong năm nay và mục tiêu cho năm 2015, cũng như các lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp có thể hợp tác, chia sẻ với nhà quản lý”, bà Foote nhấn mạnh.
Theo vị này, VBF cuối kỳ 2014 mang chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các Hiệp định thương mại mới” sẽ đi sâu vào những lĩnh vực chính mà giới kinh doanh muốn kiến nghị lên Chính phủ, đó là cải cách thị trường tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do, phát triển lực lượng lao động, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính…
“Sự cạnh tranh của Việt Nam với các nền kinh tế khác trong khu vực ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Mục tiêu của chúng tôi là các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải phối hợp với nhau để nền kinh tế có thể cạnh tranh với các quốc gia khác. Việc gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới như FTA – EU, TPP cũng đòi hỏi Việt Nam cần thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới”, vị đại diện này chia sẻ.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định với sự xuất hiện của Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi sẽ có một thông điệp cải cách.
“Chính phủ đã đưa ra một chương trình cải cách xuyên suốt từ đầu năm 2014, nhưng điều mà doanh nghiệp mong muốn là làm thế nào để chương trình này có thể đi vào thực tế. Bởi dù doanh nghiệp đã có niềm tin nhưng họ vẫn đặt câu hỏi liệu những cải cách như vậy có trở thành hành động thực tế hàng ngày ở cấp cơ sở được không?”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông nhận xét sự xuất hiện lần này của Thủ tướng trùng hợp với sự tăng tốc trong cải cách thủ tục hành chính, khi Chính phủ lấy các quy định của ASEAN-6 làm chuẩn mực để giảm các phiền hà cho khu vực doanh nghiệp và yêu cầu báo cáo hàng tháng, hàng quý. “Từ đầu năm nay, Thủ tướng đã 3 lần xuất hiện trong các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là điều phù hợp khi Việt Nam đang gia tốc tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do”, ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cũng cho rằng cơ quan quản lý còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, niềm tin kinh doanh đã trở lại, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn cách xa nhiều nước trên thế giới. “Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam chủ yếu dựa vào lợi thế của lao động giá rẻ mà không dựa vào chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận công nghệ. Chúng ta còn chặng đường dài để nâng cao sức cạnh tranh”, vị này phát biểu.
Đồng quan điểm, bà Virginia Foote đánh giá kinh tế Việt Nam hạn chế nhiều mặt, như năng suất thấp, thời gian doanh nghiệp bỏ ra để kê khai thủ tục thuế lớn, lượng giấy tờ hành chính cần xử lý rất nhiều… “Việt Nam là quốc gia có lượng giao dịch phi tiền mặt ở mức rất thấp, dẫn tới tốn rất nhiều chi phí, con người để thực hiện một giao dịch, làm giảm hiệu quả”, bà nhận định.
Từ đó, đại diện các Hiệp hội khẳng định cần tái khởi động một chương trình vực dậy khu vực trong nước, thông qua sự đối thoại thẳng thắn với Chính phủ để tìm ra những điểm còn hạn chế để hai bên có thể hợp tác, khắc phục.
Phương Linh