1,5 triệu tỷ đồng nợ nần của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước

Trước khi bế mạc kỳ họp thứ 8, khóa XIII, Quốc hội đã nhận được báo cáo của Chính phủ về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc góp cổ phần.

Theo đó, tổng nợ phải trả theo báo cáo hợp nhất của các đơn vị xấp xỉ 1,515 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Con số này gấp khoảng 1,45 lần vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp.

Tình hình tài chính của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước năm 2013

ToanCanhDoanhNghiep-St-7559-1417364225.j

Bấm vào đây để xem chi tiết.

Gần 490.000 tỷ đồng trong số này được doanh nghiệp huy động từ các tổ chức tín dụng (tăng 12,3%). Trong đó, Tập đoàn Dầu khí vay nhiều nhất (khoảng một phần ba), tiếp đến là Tập đoàn Điện lực, Than khoáng sản, Tổng công ty Hàng hải, Sông Đà, Xi măng… Ngoài ra, các đơn vị cũng vay gần 326.000 tỷ đồng từ nước ngoài, với phần lớn là vốn ODA hoặc do Chính phủ bảo lãnh.

Ở chiều ngược lại, các tập đoàn, tổng công ty cũng có gần 299.000 tỷ đồng nợ phải thu, tương đương hơn 11% tổng tài sản và tăng gần 2% so với năm 2012. Trong số này, nợ khó đòi khoảng 10.330 tỷ, tăng gần 16% so với năm 2012, chủ yếu là các khoản cho vay tại Tập đoàn Dầu khí, Than – khoáng sản, Tổng công ty Cảng hàng không, Lương thực Miền Bắc, Hàng hải, Đường sắt và Tập đoàn Viễn thông quân đội.

Nếu tính riêng tại các công ty mẹ, tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) phần lớn rơi vào khối xây dựng như Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (1.054 tỷ đồng, bằng 73%), Xây dựng Trường Sơn (64,7%), Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (58,4%)…

Tính đến hết 2013, tổng tài sản của khối tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ước gần 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu đạt 1,145 triệu tỷ, tăng 15%. Số này bao gồm gần 800 doanh nghiệp Nhà nước nắm 100% vốn, với 8 tập đoàn, 100 tổng công ty (không tính Vinashin)…

Chí Hiếu

0913.756.339