Nội dung mở rộng đối tượng kiểm toán nhà nước là vấn đề gây nhiều tranh luận khi Quốc hội lần đầu thảo luận về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước sửa đổi ngày 26/11.
Dự thảo luật quy định đối tượng thuộc diện kiểm toán theo hai phương án. Một là các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế. Phương án 2 quy định đối tượng này là các cơ quan quản lý và các đối tượng chấp hành nghĩa vụ nộp thuế.
Trong khi Luật hiện hành chỉ gón gọn đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Nhận định về nội dung trên, đại biểu Trần Văn Minh cho rằng cả 2 phương án này đều không khả thi. Theo ông Minh, với quy định này, các đối tượng phải kiểm toán là rất lớn trong khi nguồn lực cả về nhân lực, vật lực và cả thời gian để thực hiện của Kiểm toán nhà nước là có hạn. Mặt khác, việc tiến hành kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế sẽ dẫn đến sự không thống nhất với mục đích kiểm toán là phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Có nghĩa là kiểm toán các đối tượng quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
“Đồng thời quy định như trên sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo do cơ quan thuế đang quản lý các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế và việc kiểm tra, khắc phục tình trạng trốn lậu thuế đang do thanh tra thuế đảm nhận”, ông Minh lo ngại.
“Với đối tượng chưa mở rộng, thực tế thời gian qua Kiểm toán Nhà nước mới chỉ làm việc được trên 50% bộ ngành và địa phương. Vậy thì với số lượng hàng trăm nghìn doanh nghiệp được mở rộng, hàng triệu người nộp thuế Thu nhập cá nhân thì e không khả thi”, chuyên gia Bùi Đức Thụ nhận định.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam cũng cảnh báo, riêng việc mở rộng đối tượng kiểm toán với tất cả doanh nghiệp sử dụng vốn và tài sản Nhà nước cũng đã khiến bộ máy của cơ quan kiểm toán tăng lên đáng kể.
Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu tại hội trường. Ảnh: VPQH |
Mặt khác, vị này cho rằng trong xu thế Nhà nước đẩy mạnh công tác cổ phần hóa mà quy định đối tượng kiểm toán không phân biệt rõ loại hình công ty cổ phần có sử dụng vốn Nhà nước với công ty do Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì vô hình chung sẽ không khuyến khích quá trình cổ phần hóa.
Ông cũng lo ngại quy định này sẽ mâu thuẫn với quy đinh của Luật Doanh nghiệp sáng nay vừa thông qua cùng ngày là chỉ có doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới gọi là đối tượng của kiểm toán nhà nước.
Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm của cơ quan kiểm toán còn khá mờ nhạt cũng là nội dung được nhiều đại biểu lên tiếng.
Đồng tình với nhiều nội dung về quyền, điều kiện để Kiểm toán Nhà nước nhưng Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật – Đặng Đình Luyến nhận xét dự thảo mới quy định kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước các cơ quan một cách chung chung nhưng trách nhiệm của kiểm toán viên thế nào, của đoàn kiểm toán ra sao thì chưa rõ. “Tôi đề xuất nhất thiết phải bổ sung quy định trách nhiệm của kiểm toán viên, của đoàn kiểm toán”, ông Luyến kiến nghị.
Đại biểu Thân Đức Nam cũng đề xuất cần bổ sung quy định trách nhiệm với cơ quan kiểm toán, nhất là với kiểm toán viên để tránh những cách hiểu “quyền hạn thì nhiều mà trách nhiệm lại không rõ”.
Ông Nam ví dụ, về giá trị của báo cáo kiểm toán trong trường hợp văn bản này không trung thực, hoặc chỉ trung thực từng phần. “Cần ràng buộc trách nhiệm với kết luận kiểm toán. Tôi kiến nghị kiểm toán phải chịu trách nhiệm, cụ thể là quy định trách nhiệm của kiểm toán viên – với tư cách là người ký vào báo cáo. Nếu không sẽ gây ra cách hiểu Kiểm toán Nhà nước không có trách nhiệm gì hoặc không tương xứng quyền và nghĩa vụ”, ông Nam nói.
Theo ông Bùi Đức Thụ cũng băn khoăn về trường hợp đối tượng kiểm toán không đồng ý với kết luận kiểm toán nhưng lại chưa có cơ sở khiếu nại, kể cả khởi kiện tại tòa đối với 1 báo cáo kiểm toán.
“Đối tượng kiểm toán này chỉ có thể kiến nghị hoặc khởi kiện bằng quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước đối với kết luận từng cuộc kiểm toán. Vì vậy, đại tôi đề nghị quy định giá trị pháp lý của quyết định kiểm toán nhà nước đối với kết luận từng cuộc kiểm toán một”, ông Thụ phân tích.
Chí Hiếu