Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi về các vấn đề liên quan đến chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, quản lý thị trường ngăn chặn hiệu quả hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, kém chất lượng, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống phân phối hàng bán lẻ…
Về vấn đề hàng giả, kém chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh thể hiện sự bức xúc khi cho rằng tình trạng này không thuyên giảm. “Đến 2015, Bộ trưởng có dám cam kết sẽ truy quét hàng giả như thế nào và những chính sách cụ thể để đẩy lùi tình trạng này?”, bà Khá đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi, ông Hoàng cho biết, trong báo cáo kiểm điểm cá nhân gửi các đại biểu trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về hạn chế này. Ông cho biết, mặc dù ngành, cũng như lực lượng quản lý thị trường đều có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ số vụ việc gian lận, hàng giả năm sau đều cao hơn năm trước.
Bộ trưởng Công Thương lý giải nguyên nhân là do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh, độ mở của nền kinh tế lớn nên việc giao thương hàng hóa có tỷ trọng ngày càng tăng. Đi liền với đó là những vấn đề phức tạp nảy sinh ngày một nhiều, thách thức với cơ quan quản lý.
Một nguyên nhân nữa theo ông Hoàng là công tác đấu tranh của lực lượng quản lý thị trường còn thiếu công cụ, phương tiện nên hiệu quả không cao. “Thậm chí một số một số cán bộ quản lý thị trường phải dùng miệng để thử phân bón giả”, Bộ trưởng cho biết.
Về cam kết để giảm tình trạng trên, ông Hoàng không đưa ra những số liệu cụ thể, tuy nhiên Bộ trưởng tỏ ra tin tưởng khi Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng hoạt động ngày một hiệu quả hơn, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành.
“Tôi chỉ dám nói rằng sẽ hết sức cố gắng. Và chúng ta không có lý do gì để không tin rằng tình trạng trên sẽ không được cải thiện”, Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.
Ngọc Tuyên