Với số liệu này, Nga cũng vượt qua Thụy Sĩ và Trung Quốc để trở thành nước dự trữ vàng nhiều thứ 6 thế giới. Đây là một phần chiến lược đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của Nga, hiện đã lên 439 tỷ USD. Nguyên nhân là USD và euro chiếm phần lớn khối dự trữ này.
Dù vậy, bất chấp việc lượng vàng tăng lớn, kim loại quý vẫn chỉ chiếm 9,7% tổng dự trữ của Nga, tính đến cuối tháng 8. Dù gần đây, Ngân hàng trung ương Nga bán ra khá nhiều ngoại tệ để ngăn đồng rouble giảm giá.
Nga hiện là nước có dự trữ vàng lớn thứ 6 thế giới. Ảnh: Newswire |
Hôm qua, bà Kseniya Yudaeva – Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương Nga đã cam kết sẽ bán vàng để có vốn nhập khẩu hàng hóa “nếu cần thiết”. Nước này đang lo ngại hàng nhập khẩu đắt đỏ, do giá đồng rouble xuống thấp sau các lệnh trừng phạt của quốc tế lên Nga về tình hình Ukraine.
Dự trữ quốc tế của Nga đã giảm dự 509 tỷ USD đầu năm nay, xuống 439 tỷ USD cuối tháng trước, do Nga mua vào rouble để ngăn nội tệ giảm giá so với USD và euro. Việc này đã làm tăng lo ngại nếu lệnh trừng phạt tiếp tục và dự trữ của Nga lại đi xuống, khả năng nhập khẩu hàng hóa thiết yếu của nước này sẽ bị đe dọa.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga – Alexei Kudrin cũng đã cảnh báo về việc này trên tờ Kommersant tháng trước. Ông cho rằng dự trữ hiện tại chỉ đủ để nhập khẩu 6 tháng, với mức giá hiện tại.
6 tháng là mốc quan trọng để đảm bảo cho người dân Nga trước nguy cơ tình hình tồi tệ hơn và họ không được nhập khẩu nhiều hàng hóa nước ngoài. Hiện tại, Nga vẫn phải nhập khẩu lượng lớn bơ, phomai và thịt.
Yudaeva cho rằng Nga có thể phải bán vàng để có đủ USD phục vụ việc nhập khẩu. Tuy nhiên, không may là giá vàng đang giảm mạnh, xuống 1.140 USD một ounce sáng nay, thấp nhất 4,5 năm.
Thị trường cũng đang lo ngại về nguồn thu của Nga khi giá dầu đã xuống dưới mốc 90 USD một thùng – mốc cần đạt để nước này cân bằng ngân sách. Dầu mỏ vẫn đóng góp gần một nửa doanh thu ngân sách và 10% GDP Nga.
Bộ Tài chính Nga đang lên kế hoạch giảm chi 10% ngân sách giai đoạn 2015-2018. Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết dù Chính phủ có thể dùng dự trữ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu, nhưng dự trữ không phải vô hạn, trong khi tình hình tài chính yếu có thể còn kéo dài.
Hà Thu