Doanh nghiệp Việt học được rất ít từ khu vực FDI

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam vừa được công bố ngày 3/11, doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, song chỉ 1/5 số doanh nghiệp Việt “chơi” được với doanh nghiệp FDI.

“Doanh nghiệp nội địa Việt Nam chưa tối ưu hóa được mối quan hệ với doanh nghiệp FDI, chỉ một số ít đơn vị tư nhân đóng vai trò thu mua đầu vào hay có khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài”, Giáo sư John Rand, trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết.

cong-nghe-9186-1415005393.jpg

Tỷ lệ khách hàng hoặc nhà cung cấp là doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 20%.

Dù là nước có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp đang tranh thủ hút dòng vốn ngoại để cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, song khảo sát gần 8.000 doanh nghiệp, nhóm tác giả báo cáo phản ánh chưa nhìn thấy tầm quan trọng của doanh nghiệp FDI trong chuyển giao công nghệ. Phần lớn chỉ có doanh nghiệp nội địa chuyển giao công nghệ với nhau (chiếm 66%).

“Hiện chuyển giao công nghệ tại Việt Nam diễn ra chủ yếu giữa doanh nghiệp trong nước, một nguyên nhân khiến quá trình chuyển giao diễn ra chậm chạp”, Giáo sư John Rand nhận định.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng một trong những nguyên nhân khiến mối quan hệ này chưa tác động hai chiều là khu vực FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước. “Khi không chơi cùng một sân chơi bằng phẳng thì các doanh nghiệp được ưu đãi sẽ chơi với nhau, bỏ lại cả một khu vực rộng lớn doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận được công nghệ chuyển giao từ lực lượng lớn kia”, bà Lan phát biểu.

Lấy ví dụ từ dự án của Samsung, vị chuyên gia này cho hay cả những đơn vị nước ngoài làm phụ trợ cho doanh nghiệp này cũng được hưởng ưu đãi về thuế, trong khi doanh nghiệp trong nước phải chịu thuế thu nhập 22%. Sự bất bình đẳng dẫn tới không thể khuyến khích chuyển giao công nghệ.

“Cần đặt doanh nghiệp trong một sân chơi sòng phẳng hơn với doanh nghiệp trong nước thì mới khuyến khích chuyển giao công nghệ. Đừng nhắm mắt nghĩ là phải ưu đãi nhiều cho FDI thì họ sẽ chuyển giao”, bà nói.

Thêm vào đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng hoạt động nghiên cứu phát triển vẫn còn yếu, cần tích cực đầu tư đổi mới công nghệ. Khảo sát cho thấy, chỉ khoảng 514 trong tổng số 8.010 doanh nghiệp được điều tra (chiếm 6,4%) đầu tư vào một số hình thức nghiên cứu và triển khai. Trong đó, hơn một nửa chi phí nghiên cứu dành cho phát triển công nghệ mới đối với thị trường doanh nghiệp hoạt động chứ không phải là nghiên cứu tiên phong, vốn chỉ chiếm khoảng 4% tổng chi phí nghiên cứu.

Theo báo cáo xếp hạng năng lực Việt Nam toàn cầu, năm 2014, Việt Nam đứng thứ 68, với một số yếu tố kém lạc quan như mức độ hấp thụ công nghệ (xếp thứ 99), các yếu tố đổi mới sáng tạo và độ tinh xảo kinh doanh (xếp thứ 98). “Điều này cho thấy đã đến thời điểm Việt Nam phải đi trên con đường cải tiến về công nghệ”, Giáo sư Finn Tarp – Đại học Copenhagen khẳng định.

Ông cho rằng cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua phát triển công nghệ sẽ quyết định số phận kinh tế Việt Nam có tươi sáng, khẳng định trên thị trường quốc tế hay không. “Điều quan trọng là chặng đường phía trước còn dài và chúng ta phải tiếp tục đi, không thể dừng lại giữa đường”, Giáo sư Tarp nói.

Báo cáo năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam được thực hiện bởi các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê, Đại học Copenhagen (Đan Mạch). Khảo sát năm 2013 tiến hành với 8.010 doanh nghiệp, bao gồm 40% doanh nghiệp nhỏ, 37% doanh nghiệp vừa, 14% doanh nghiệp lớn và 9% doanh nghiệp siêu nhỏ.

Phương Linh

0913.756.339